Hà Nội: 100% doanh nghiệp vi phạm làm thêm giờ

20:29 | 08/09/2016;
Người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tăng giờ làm thêm, nhưng Nhà nước cấm làm thêm vượt quá 200 giờ/năm. Trong khi thực tế đang diễn ra, 100% doanh nghiệp vi phạm quy định này.
nhu-cau-lao-dong-lam-them-gio.jpg
 Người lao động và doanh nghiệp đều có nhu cầu tăng hơn nữa giờ làm thêm (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động ngày 8/9, ông Ngô Chí Hùng, Phó ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội, khẳng định: 100% doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn có làm thêm giờ và qua kiểm tra đều vi phạm vượt quá 200 giờ/năm.

Qua quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp, ông Hùng cho biết nhiều doanh nghiệp vi phạm làm thêm giờ tới 300 giờ thậm chí 400 giờ/năm, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Thực tế hiện nay, theo ông Hùng, người lao động và doanh nghiệp mong muốn được làm thêm giờ nhiều hơn để có thu nhập, lợi nhuận kinh doanh. Tuy vậy, “2 bên đã mở, còn 1 bên nhà nước lại cấm”. Ông Hùng nêu ví dụ một người lao động có lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Riêng chi trả tiền thuê nhà đã gần hết lương, “không làm thêm thì người lao động sinh sống thế nào?”, ông Hùng nói.

Việc đóng khung quy định không quá 200 giờ làm thêm, khiến rất nhiều doanh nghiệp tìm cách “lách” và phi phạm pháp luật lao động. Ông Hùng kiến nghị nới rộng hơn quy định giới hạn thời gian làm thêm giờ để Bộ luật Lao động sát hơn với thực tế, thuận tiện hơn cho việc thực thi.

Riêng về quy định làm thêm giờ, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng một mặt phải tính tới người lao động về sức khỏe, thể chất, quá trình sinh hoạt bình thường; mặt khác chú ý nhu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện phát triển giai đoạn thấp, năng suất lao động chưa cao, mới gia công, lắp ráp, làm theo đơn đặt hàng... ; đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động ngành nghề may mặc, chế biến thủy sản làm hàng xuất khẩu thường bị động về thời gian. “Trong khi quy định quá cứng nhắc sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Huân cho biết.

Ngược lại, nếu quy định cho thời gian làm thêm giờ quá cao, theo ông Huân, lại ảnh hưởng tới sức khỏe, điều kiện làm việc của người lao động.

Thời điểm hiện tại, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định đã có nhiều phương án “nới” giờ làm thêm, tuy nhiên chưa chốt mức tăng cụ thể, cần phải tính toán kỹ mới trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tới đây. 

Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động nêu đề xuất: Tăng giới hạn làm thêm giờ trong 1 năm, hoặc quy định giới hạn làm thêm theo “ngày và tuần”, “ngày và tháng”. Cho phép áp dụng làm thêm giờ linh hoạt trong một số điều kiện đặc biệt để phù hơp với quy định các nước trong khu vực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Đồng thời, tách rõ những doanh nghiệp giảm giờ làm việc bình thường theo tuần, thì đề nghị cho tăng số giờ làm thêm tương ứng. Ví dụ, doanh nghiệp giảm giờ làm việc xuống 40 giờ thì cho phép tăng giờ làm thêm nhiều hơn so với doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần, đối đa 8 giờ/tuần (khoảng 400 giờ/năm). 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn