Hà Nội: 98% phụ nữ có thai được tiếp cận dịch vụ y tế

22:48 | 07/06/2017;
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và xây dựng, ban hành “Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới” là 2 kết quả nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.
chu-tich-hoi-lhpnvn.JPG
Ủy Viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội.
Ngày 7/6, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm Nghị quyết số 11-NQ/TW “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành Ủy Thành phố Hà Nội.
 
Báo cáo trước Đoàn công tác, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên TW Đảng, Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Hà Nội - cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã đạt được nhiều thành công trong công tác phụ nữ. Một trong những thành tích nổi bật của Hà Nội là xây dựng và ban hành “Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới” với 62 chỉ số tách biệt giới trong một số lĩnh vực chủ yếu như: giáo dục, y tế, lao động việc làm, lãnh đạo, quản lý… Đây là cơ sở cho việc đánh giá bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố đã triển khai Dự án “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố” qua 3 giai đoạn, tư vấn và khám tầm soát cho 127.828 phụ nữ từ 35 đến 60 tuổi. Qua thăm khám, dự án đã giúp phát hiện 6.071 trường hợp có khối u polip, naboth, u khác, 4 trường hợp ung thư; tầm soát đã phát hiện 805 trường hợp u xơ, u nang vú giúp các bệnh nhân sớm điều trị bệnh. 
Trong 10 năm qua, các cấp Hội LHPN đã tổ chức tuyên truyền cho trên 1.526.000 lượt phụ nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tổ chức khám sức khỏe cho trên 1.579.900 lượt phụ nữ và trẻ em. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ y tế là 98%, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con lên 40%; 99% phụ nữ có thai được tiêm vaccine phòng uốn ván; số phụ nữ có thai được quản lý đạt tỷ lệ 99,9%...

Nhiệm kỳ này, Ban Thường vụ Thành ủy có 4 đồng chí là nữ, Thường trực Thành ủy có 2 đồng chí là nữ, cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố là 12%; Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Thành phố là 30% (tăng 3,4% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp thành phố 23,8% (giảm 0,4% so với nhiệm kỳ trước); cấp quận, huyện, thị xã 30% (tăng 3,6% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã, phường, thị trấn 28,5% (tăng 3% so với nhiệm kỳ trước).
10 năm qua, gần 24 nghìn phụ nữ được kết nạp Đảng, chiếm 44,4% tổng số đảng viên mới của Thành phố.

Tuy nhiên, qua báo cáo tại hội nghị, Hà Nội vẫn còn một số điểm hạn chế: Định kiến giới, tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, các tệ nạn xã hội, các vụ án hình sự, dân sự liên quan đến phụ nữ còn diễn biến phức tạp.
pho-bi-thu-ha-noi-thanh-hang-1.JPG
Ủy viên TW Đảng, Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu ý kiến.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được. “Cách thức tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 của Hà Nội rất sát sao, mang tính chiến lược, thể hiện rõ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo. Đặc biệt, Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành ủy là động lực cho toàn thành phố thực hiện tốt công tác phụ nữ”, Chủ tịch Thu Hà nhận xét.
Chủ tịch Thu Hà mong muốn Hà Nội tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được và ứng dụng rộng hơn Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới trong các dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Dự án “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung” của Hà Nội cũng là điểm sáng về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ cần được nhân rộng ở nhiều địa phương khác.
 
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần quan tâm nhiều hơn về các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ như: Phụ nữ khởi nghiệp, vấn đề lao động di cư, tỷ lệ giới tính khi sinh, nạn xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm...
 
Trao đổi về hoạt động Hội, Chủ tịch Thu Hà bày tỏ mong muốn Hội LHPN thành phố Hà Nội cần phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tham gia thực hiện quy chế đối thoại, chủ động đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền những vấn đề liên quan đến phụ nữ.

*Trước đó, ngày 6/6, trên địa bàn Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm Nghị quyết số 11-NQ/TW do Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Quận ủy Bắc Từ Liêm.
pct-bui-hoa-1.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa phát biểu tại buổi làm việc với Quận ủy Bắc Từ Liêm (Hà Nội)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn