Bộ quy tắc ứng xử vừa ban hành gồm 4 chương và 14 điều với những hướng dẫn rất cụ thể về những điều nên và không nên làm đối với công dân ở những nơi công cộng như tại vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, công viên, thư viện, bảo tàng, khu vui chơi giải trí, bến tàu xe...
Quy tắc ứng xử nơi công cộng đề cao hành động quan tâm, giúp đỡ, nhường nhịn người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật |
Trong đó, bộ quy tắc ứng xử nhấn mạnh các hành động đẹp nên làm, cụ thể: Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em; đấu tranh bảo vệ lẽ phải, người yếu thế, phê bình hành vi sai trái… Bộ quy tắc ứng xử cũng đề rõ những hành động cần tránh như: Kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; phá cây xanh, hoa cỏ, xâm hại cảnh quan; thả rông vật nuôi nguy hiểm…
Tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, bộ quy tắc ứng xử cũng quy định rõ không nên thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan; không mặc trang phục hở hang không phù hợp thuần phong mỹ tục gây phản cảm… Còn ở các khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch, nên thể hiện tình cảm đúng mực, không sử dụng đồ chơi kích động bạo lực gây nguy hiểm, độc hại…
Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng quy định rõ chế tài xử lý. Theo đó, các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng hoặc sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy mức độ. Bộ quy tắc ứng xử chính thức có hiệu lực từ ngày 10/3/2017.