Hà Nội cấm xe máy: Giới kinh doanh tính trả mặt bằng, tìm địa điểm khác

10:01 | 14/03/2019;
Dù chưa cấm xe máy, nhưng các cửa hàng, doanh nghiệp đóng trên tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi đứng ngồi không yên. Nhiều cửa hàng đã tính trả mặt bằng tìm địa điểm kinh doanh khác.

Trước thông tin Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ cấm đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương khi tuyến đường sắt đi qua, những nhiều người dân dọc hai tuyến đường này lo lắng.  

Chị Lê Thị Thanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang thuê mặt tiền một căn nhà trên đường Lê Văn Lương Trãi để kinh doanh. Tuy nhiên, khi có thông tin có thể sẽ cấm xe máy di chuyển trên đường Lê Văn Lương, chị rất lo lắng bởi việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, chị bắt đầu đi tìm địa điểm khác không nằm trên những tuyến đường có thể bị cấm xe máy để thuê và chuyển địa điểm. “Người mua đến cửa hàng chủ yếu đi xe máy. Nếu bị cấm đi xe máy, chẳng ai muốn đi buýt hoặc tàu điện đến mua hàng nữa bởi vừa bất tiện, lại mất thời gian. Vì vậy, chúng tôi phải chuyển địa điểm khác thôi, chứ kinh doanh ở chỗ cũ sớm muộn sẽ phải đóng cửa vì chẳng có khách”.

1552355406-20150909095208-6.jpg
Đường Nguyễn Trãi luôn trong tình trạng ùn ứ trong giờ cao điểm

Tương tự, nhiều hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi cũng rất lo lắng việc cấm xe máy thì kinh doanh sẽ ế ẩm. “Một mặt, chúng tôi nghe ngóng động thái của chính quyền có cấm hay không. Mặt khác, chúng tôi cũng bắt đầu lên những phương án khác như chuyển địa điểm kinh doanh cho phù hợp, chứ cấm xe máy rồi thì còn ai đi vào cửa hàng mà mua nữa. Những người đi ô tô thì hạn hữu mới ghé cửa hàng thôi” chị Lê Thị Hà, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi cho hay.  

Không chỉ những hộ kinh doanh, những hộ dân có nhà ở mặt đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi cũng đang rất lo lắng. Cũng bởi, hầu hết những hộ này đều cho thuê mặt bằng và đó là nguồn thu nhập chính của họ. Ví như căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Hải (đường Nguyễn Trãi) có mặt tiền 6m. Vợ chồng chị là công chức nên tiền lương mỗi tháng cả hai vợ chồng chỉ được hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, căn nhà của chị có tầng 1 rộng 50m2, mặt tiền 6m nên vợ chồng chỉ ở từ tầng 2, còn tầng 1 thì cho thuê. Mỗi tháng, tiền thuê tầng 1 cũng được 40 triệu đồng. Số tiền đó, vợ chồng chị ngoài chi tiêu còn có tích lũy.

Tuy nhiên, vài hôm gần đây, người thuê bày tỏ lo ngại trước thông tin cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi. “Người thuê bảo có thể sẽ trả lại mặt bằng và chuyển đi nơi khác, bởi nếu Hà Nội cấm xe máy thì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, số lượng khách sẽ giảm. Tiền lãi sẽ không thể bù đắp được các chi phí thuê nhân công, mặt bằng và thuế. Vì vậy, vợ chồng tôi cũng đứng ngồi không yên, bởi nếu cấm xe máy chẳng ai muốn thuê nữa” chị Hải nói.

Theo các chuyên gia, việc Hà Nội cấm xe máy tại tuyến đường nào thì ngân sách nhà nước cũng sẽ bị tụt giảm bởi mất nguồn thu. Một chuyên gia tính toán, chỉ tính riêng Đường Nguyễn Trãi đã có hàng ngàn hộ hay doanh nghiệp kinh doanh. Cộng với hàng trăm con phố, ngõ từ đường Nguyễn Trãi kéo vào con số sẽ lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn hộ.

Khi cấm xe máy, thì những hộ, doanh nghiệp này hoặc là đóng cửa, hoặc ngừng kinh doanh hoặc chuyển địa điểm. Như thế, nhà nước mất nguồn thu từ thuế các loại. Nếu tính, thì con số cũng không phải là nhỏ. Đó là chưa kể đến những tác động đến các mặt khác như hàng ngàn lao động sẽ mất việc làm,…

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn