Hà Nội cấm xe máy trong khi phương tiện công cộng không đủ

18:04 | 20/09/2016;
Các chuyên gia khẳng định, việc hạn chế xe máy vào nội đô thực hiện được khi người dân... tự nguyện bỏ và lựa chọn phương tiện công cộng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phương tiện công cộng cũng đang ở thế bí.
cam-xe-may-dan-di-bang-gi.jpg
"Cấm xe máy thì người dân đi làm bằng cái gì?" - ông Liên đặt vấn đề.

Ngày 20/9, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã lên tiếng về Đề án “tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”, do Sở Giao thông Vận Tải (GTVT) Hà Nội phối hợp với Viện chiến lược phát triển GTVT- Bộ GTVT đang lấy ý kiến.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng: Số lượng xe máy vượt quá diện tích sử dụng của đường bộ, xả khí thải làm ô nhiễm không khí, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ bệnh đường hô hấp trẻ em và người già tăng cao, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng giờ học, giờ làm... “Đề án này khởi động bây giờ là hợp lý, có lộ trình, có giải pháp để trả lời người dân: Cấm xe máy thì người dân đi làm bằng cái gì?” - ông Liên đặt vấn đề.

tac-duong-vi-nhieu-nguoi-mua-oto-cho-oach-tac-o-tu-duy.jpg
Số lượng xe buýt này mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân. 

Ông Liên cho rằng: “Cấm xe máy chỉ được thực hiện khi đại đa số người dân tự nguyện loại bỏ và chấp nhận phương tiện giao thông công cộng”. Chỉ khi phát triển giao thông công cộng chất lượng tốt, giá thành hạ, hạn chế có lộ trình sẽ đạt được mục tiêu cấm xe máy.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông vận tải cho rằng, phương tiện công cộng duy nhất của Hà Nội hiện nay là xe buýt. Với 1.200 xe, phương tiện công cộng này đã phát triển tới ngưỡng tối đa so với hạ tầng giao thông hiện nay. Số lượng xe buýt này mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân.

Còn phương tiện là tàu điện trên cao của Hà Nội vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Theo khảo sát của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), một thành phố phải đạt được ít nhất 1 ga tàu điện trong phạm vi 700m, thì người dân sẽ lựa chọn, sử dụng phương tiện công cộng này đi làm. Theo JICa, để đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội cần phải có ít nhất 6 tuyến tàu điện ngầm và nổi, với tổng chiều dài trên 100 km.

Trong khi đó, phải đến 5 năm tới, mới có 2 dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được đưa vào hoạt động. 2 tuyến này có tổng chiều dài 25,5km. Như vậy, rõ ràng phương tiện giao thông công cộng chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô. Người dân chưa có nhiều lựa chọn cách thức đi lại khi phương tiện xe máy bị cấm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn