Cư dân ở chung cư trải qua nỗi lo sợ chưa từng thấy trong đời
Chị Doãn Hương - cư dân của một khu chung cư tại quận Nam Từ Liêm cho biết: "Cả đời mình, tôi chưa bao giờ trải qua nỗi lo, nỗi sợ đến như thế. Nhà tôi ở tầng 17, cửa kính lớn, đúng hướng gió. Trong cơn bão, cửa rung bần bật trong tiếng gió rít mạnh. Do chưa có kinh nghiệm, lại là mẹ đơn thân nên tôi cũng không biết phải làm cách nào, đành lấy thêm đồ chèn vào cửa. Nhiều nhà trong khu nhà tôi bị bung cửa kính, nước tạt vào xối xả, cũng may không ai bị làm sao".
Trong khi đó, chị Nguyễn Ngân, người đang sống trong khu chung cư Imperia tại quận Thanh Xuân cho biết: "Khu chung cư nhà tôi không có vấn đề gì cả, cửa kính chắc chắn. Cư dân do sợ mưa lớn, nước ngập sẽ tràn vào hầm để xe, nhưng rồi cũng không có vấn đề gì xảy ra. Khi mất điện, khu chung cư có hệ thống điện dự phòng".
Hàng loạt các ý kiến khác nhau về rất nhiều các khu chung cư được chia sẻ tại nhiều diễn đàn. Theo một kĩ sư xây dựng (xin giấu tên) thì khi xây dựng, các tòa nhà cao tầng đều phải có những tiêu chuẩn riêng về an toàn bao gồm rất nhiều hạng mục, từ phòng cháy chữa cháy cho đến việc phải chống chịu được các tác động khi có gió bão, rung lắc, động đất. Các hạng mục lớn đều được thẩm định trước khi đưa vào sử dụng, tuy nhiên nhiều hạng mục nhỏ rất khó để kiểm tra, và chất lượng xây dựng đã lộ ra sau khi trải qua cơn bão vừa rồi.
Trong khi cơn bão diễn ra, nhiều chủ nhà trong các khu chung cư đã chia sẽ hình ảnh phải tìm cách để ngăn nước tràn qua cửa sổ vào nhà. Tại một số khu chung cư, một số hạng mục thuộc phần sử dụng chung bên trong khu chung cư như gạch ốp gần thang máy, tấm ốp trần ở sảnh đã bị bung tróc, rất nguy hiểm. Gió lớn khiến những tấm ốp trần bằng thạch cao tại một căn hộ chung cư đã bị bung, điều này cho thấy chất lượng hoàn thiện bên trong căn hộ không tốt.
Bên cạnh chất lượng xây dựng, việc điều hành, quản lý các khu chung cư, việc xây dựng cộng đồng nằm ở ban quản lý và người dân. Anh Hoàng Tuấn - một người dân đang sống tại khu chung cư tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho biết: "Trước khi bão đến, ban quản lý tòa nhà đã có phương án dựng rào chắn, gia cố thêm để ngăn nước tràn vào hầm để xe. Ban quản lý tòa nhà cùng các cư dân có nhóm chung để liên lạc, liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết. Khu chung cư nhà tôi tuy chỉ là khu chung cư bình dân nhưng các hộ gia đình đều yên ổn, cửa kính khi đóng vào không bị gió giật rung lắc, nước không ngấm vào nhà".
Trong khi cơn bão diễn ra, nhiều cư dân chung cư đã chia sẻ những hình ảnh hàng xóm cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và những nỗi sợ hãi. Trong diễn đàn của cư dân chung cư Kim Văn Kim Lũ, một nữ điều dưỡng viên đã thông tin việc sẵn sàng hỗ trợ cho các cư dân khác nếu có vấn đề cấp bách về bệnh tật hoặc sức khỏe, sau đó được một số bác sĩ, những người có chuyên môn về y tế khác cùng hưởng ứng, đưa lên địa chỉ căn hộ của mình để ai cần hỗ trợ gấp có thể đến ngay.
"Nhiều cư dân sống tại chung cư, sống ở những căn hộ trên tầng cao lại có quá ít kinh nghiệm, không có kĩ năng khi ứng phó với mưa bão, gió lớn vì chưa trải qua bao giờ, nên trong hoàn cảnh này hàng xóm ở gần qua giúp nhau", anh Hưng - cư dân tại một khu chung cư tại quận Hoàng Mai cho biết.
Trên các diễn đàn của cư dân và các diễn đàn về bất động sản, vấn đề chất lượng và giá tiền của chung cư vẫn đang được bàn tán sôi nổi. Kết luận của số đông là điểm chung của các chung cư tại Hà Nội là dù có chất lượng tốt hay kém thì vẫn liên tục tăng giá từng ngày. Các vấn đề về kĩ năng ứng phó với thiên tai của người dân ở chung cư cao tầng cũng được nói đến nhiều khi nhiều cách xử lý là kiểu chia sẻ kinh nghiệm, không có kiểm chứng và sự tin cậy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn