Hà Nội đã thua trong cuộc khủng hoảng sốt xuất huyết

17:35 | 23/08/2017;
“Sốt xuất huyết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp với số bệnh nhân mắc lên đến 20.000 người. Xem ra Hà Nội đã “thua” trong cuộc khủng hoảng ngăn ngừa sốt xuất huyết”, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết.
Sốt xuất huyết (SXH) là sự kết hợp của 3 yếu tố: muỗi Aedes Aegypti, virus Dengue, hiểu biết của con người về hai yếu tố này.

Hà Nội đã thua trong cuộc khủng hoảng dịch SXH. Nguyên nhân là do hiểu biết của con người về muỗi và virus đang có những khoảng trống quá lớn.

Độc giả Nguyễn Phú Cường đã nhắn cho tôi rằng, anh mới xem clip Hà Nội phun thuốc muỗi lúc nửa đêm bằng vòi rồng, thấy các cửa nhà đóng im ỉm. Nó khác với Tiền Giang quê anh, bao giờ cũng có người chạy trước xe phun thuốc muỗi, kêu các gia đình mở toang hết cửa…

Anh Cường khẳng định cách phun bằng vòi rồng kiểu Hà Nội kém hiệu quả!

Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên sẽ có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm. Bất cứ ai cũng hiểu, chỉ cần một ổ dịch nhỏ xảy ra, sự sống cả cộng đồng sẽ bị đe dọa.

Mùa hè nào cũng thế, các chuyên gia y tế luôn biết trước sẽ xuất hiện một loài muỗi mang theo một loại virus chết người. Đó không phải là những con muỗi thông thường, tên khoa học của nó là Aedes Aegypti, người dân gọi nó là muỗi vằn.
6_1784604.jpg
Xe phun hóa chất diệt muỗi ở Hà Nội

Nhưng câu chuyện về những con muỗi bao giờ cũng tẻ nhạt. Chẳng ai nghĩ đến việc phát hiện sớm muỗi Aedes Aegypti và bắt chúng.

Chính quyền chưa bao giờ có khái niệm bắt muỗi để phòng dịch, cơ quan chuyên môn chỉ mở tài liệu cũ ra đọc chứ hầu như không nghiên cứu về muỗi, người dân thì càng không bao giờ chịu tìm hiểu.
 
Thời sinh viên, tôi nhớ mãi câu nói của một thầy dạy môn vệ sinh dịch tễ: “Chưa dịch chưa dập - có dịch mới dập - còn dịch còn dập - hết dịch hết dập”.

Người ta vui cười với ẩn ý hài hước của câu nói ấy. Còn tôi lại thấy “thành quả” của việc “có dịch mới dập” là những vụ dịch sốt xuất huyết lan rộng, rộng đến nỗi không sao dập nổi, dịch chỉ hết khi muỗi Aedes Aegypti qua mùa hè tự chết.

Đừng bao giờ nghĩ một con muỗi bay ngang qua cánh đồng là không quan trọng.

Hilton Head, một hòn đảo ở phía nam Carolina (Hoa Kỳ), chỉ chính thức phát triển vào những năm 1970, nhờ việc tiêu diệt được muỗi. Giá trị của đất ở nơi đây, đã nhanh chóng nhảy vọt từ số 0 đến đắt đỏ, khó có nơi đâu trên thế giới so sánh được.

Muỗi Aedes đặc biệt yêu thích mùi khí CO2, một thứ khí thải qua hơi thở của con người và động vật có vú, nó giống như một loại ma túy dành riêng cho muỗi.

Đó chính là phát hiện cực kì quan trọng của các sinh viên Đại học Northern State trong nỗ lực kiểm soát muỗi cùng chính quyền liên bang quận Brown của Hoa Kỳ. Các sinh viên còn phát hiện ra điều lí thú khác nữa, là muỗi Aedes rất thích trú ngụ ở những cái cây đẹp, nơi ít gió, ẩm nhưng không quá ướt.

Và những cái bẫy muỗi có khí CO2 được các em học sinh đặt ở mọi nơi, giống như bãi chiến trường khắp quận Brown, lan sang cả hạt Edminds gần hồ Mina xinh đẹp.

Bắt muỗi không phải là công việc của học sinh nhưng các em đã làm nó vì niềm vui. Quan trọng hơn cả, là việc bắt muỗi đã giúp ích các em rất nhiều trong học tập và nghiên cứu, bởi các em đang thực sự ứng dụng những điều học được từ sách vở vào thực tiễn cuộc sống.

Hầu hết các em học sinh rời khỏi nhà từ sáng sớm, đi bộ đến bãi gửi xe các em tranh thủ đặt vài bẫy muỗi, quãng đường đến trường cũng thế. Muỗi được các em tiến hành thu gom cuối tuần, đưa hết cả vào phòng thí nghiệm để phân tích và nghiên cứu.
muoi_van.jpg
Muỗi vằn là vật chủ trung gian truyền bệnh SXH

 Nhà trường coi thời gian đi bắt muỗi là giờ tự học. Chính quyền trả các em mỗi tiếng bắt muỗi 10 đô la. Vừa có tín chỉ vừa có tiền, lí lịch của các em sẽ càng trở nên tuyệt vời, bởi công việc bắt muỗi đã giúp các em học được bài học toàn cảnh về cuộc sống.

Những câu hỏi thảo luận tưởng đơn giản nhưng lại luôn nóng bỏng. Trên đường đi bắt muỗi chuyện gì đã xảy ra? Cảnh quan như thế nào? Tại sao tuần trước bắt được nhiều mà tuần này lại ít? Tại sao có những bạn không biết cách bắt muỗi?
 
Không chỉ ở quận Brown, mà trên khắp nước Mỹ, nhiều bang, nhiều trường đã cho các em học sinh thực hiện công việc bắt muỗi. Các bẫy khí CO2 được giăng khắp nơi cắm trại và khu picnic, học sinh tự phân loại muỗi theo từng chi…

Học sinh bắt muỗi đã nhanh chóng trở thành những chuyên gia về kí sinh trùng và các bệnh truyền nhiễm liên quan đến muỗi. Kết quả nghiên cứu của các em được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, được theo dõi và đánh giá bởi các nhà khoa học có uy tín, trở thành cơ sở dữ liệu quan trọng cho cả quốc gia.

Mỗi năm, các em học sinh lại có cơ hội sánh ngang cùng các nhà khoa học, đưa ra những phát minh của mình tại Hội nghị Côn trùng học ở Denver. Bắt muỗi tuy không phải là việc làm quyến rũ tuyệt vời đối với học sinh Mỹ, nhưng nó lại là khởi đầu rất tốt cho các em, nó giúp nước Mỹ giảm số lượng muỗi và kiểm soát được bệnh tật truyền nhiễm.

Việt Nam thì làm ngược lại. Nhà trường nhốt các em học sinh vào bốn bức tường, bắt các em học thuộc những công thức hàn lâm kinh điển, chặn cửa các em bằng những bài tập vô cùng khó.

Chính quyền thì thả lỏng cho những con muỗi mang mầm bệnh chết người bay tự do. Các nhà chuyên môn đủ học hàm học vị nhưng chỉ cắm đầu vào đọc lại những cuốn sách từ thời sinh viên. Người dân thì tự nghĩ mình quá nhỏ để tạo nên sự khác biệt. Không ai chịu bắt muỗi. Càng không có ai đưa ra những sáng kiến hay nhằm giảm số lượng muỗi.

Cả nước chấp nhận ngủ chung với những con muỗi cái.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn