Phản ánh tới Báo PNVN, anh N.V. (làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, nhiều cây xà cừ được trồng 2 bên đường trước cổng làng Yên Sở mới đây đã bị chính quyền xã chặt hạ "oan uổng".
Theo anh V. hàng cây xà cừ này được các cụ cao tuổi trong làng trồng, đến nay đã ngót nghét 50 năm tuổi. Do được trồng từ nhỏ trên nền đất thịt nên cây rất chắc chắn. Từ xưa đến nay trải qua bao nhiêu mùa bão lũ nhưng hàng cây chưa bao giờ đổ.
"Mới đây, chính quyền xã Yên Sở thông báo về việc; cắt, tỉa cành cây để phòng chống bão lũ. Thế nhưng việc "cắt tỉa" cành cây của chính quyền xã rất vô lý. Họ chỉ chọn những cành cây to, đẹp để chặt, còn những cành nhỏ, khùm khoằm lại không thấy chặt. Chúng tôi nghi ngờ xã chọn những cành to, đẹp chặt để mang đi bán", anh V. nói.
Anh V. cho biết, việc chặt cành cây để phòng, chống bão lũ như chính quyền xã chỉ đạo là không hợp lý: "Đang mùa hè nóng nực thế này, chặt hết những cành to, chặt sát vào tận thân cây. Cành ở thấp, cành vướng vào đường dây điện thì không thấy chặt. Nếu không có sự việc bật gốc phượng ở Đà Nẵng khiến 1 cháu bé tử vong thì chắc gì họ đã chặt hàng cây xà cừ này, tôi nghĩ đây chỉ là trò "mượn gió bẻ măng" thôi" anh V. nói.
Còn bà T. (làng Yên Sở) cho biết, sau khi cây đầu tiên bị chặt trơ trụi, người dân phản ánh dự dội lắm, nên những cây sau, họ chặt "nương tay" hơn
"Cây xà cừ trước đây tỏa bóng mát, bà con đi làm đồng thường ghé nghỉ ngơi, nhưng giờ thì nhìn như cái cột điện, không còn một tí bóng mát nào. Cũng may là người dân phản ánh ngay, nếu không thì có lẽ họ sẽ chặt trơ trụi hết" bà T. nói.
Ông Nguyễn Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão, chính quyền địa phương đã thực hiện cắt, tỉa những cành cây ven đường công cộng. Có toàn bộ 35 cây trong diện phải cắt tỉa.
"Theo quy định thì những cây cao quá 25 mét thì sẽ phải cắt bớt, những cành sâu, mọt thì cũng cắt bỏ. Tuy nhiên, cây đầu tiên chúng tôi chỉ đạo chặt có phần "hơi đau", những cây tiếp theo đã rút kinh nghiệm", ông Khoa cho hay.
Vị lãnh đạo xã cho biết thêm, số gỗ từ cành cây xà cừ không phải là mang bán, mà là để đổi công với bên thợ chặt cành cây.
"Ở đây người ta không đun củi nữa lâu rồi, toàn dùng bếp ga, bếp điện hết. Để không thì phí nên đã dùng số gỗ này để đổi công cho thợ. Gỗ này cũng rất rẻ, giá hình như chỉ khoảng 1 triệu đồng/ 1 tấn. Nếu số tiền gỗ không đủ tiền công thợ thì xã sẽ phải bù vào", ông Khoa cho hay.
Lý giải về việc không chặt những cành cây vướng vào đường dây điện, ông Khoa cho biết, nếu muốn cắt những cành này thì phải ngắt điện, mà thời điểm này nắng nóng đến 40 độ C, không thể ngắt điện được. Đành phải chờ đến hôm nào nhiệt độ xuống thấp hơn chút thì sẽ cắt tỉa sau.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân làng Yên Sở cho rằng, gỗ xà cừ đường kính 30 – 40 cm như thế làm gì có giá 1 triệu/1 tấn. Ít nhất cũng phải từ 3–5 triệu. Mà người mua thì phải tự túc đến chặt rồi vận chuyển chứ người bán không phải trả công?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn