Hà Nội đào tạo song bằng: Chia sẻ của trường đầu tiên thí điểm

17:04 | 23/05/2018;
Năm học 2017 - 2018, duy nhất trường THPT Chu Văn được Sở GD&ĐT Hà Nội chọn thí điểm đào tạo song bằng tú tài với 50 học sinh. Qua 1 năm thí điểm, những kinh nghiệm nào được rút ra cho các trường tiếp tục được chọn thí điểm năm nay, trong đó có 7 trường THCS?

Chưa đủ thiết bị học tập

Năm học 2018 - 2019 tới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội chiêu sinh 350 em cấp THCS với 7 trường công lập để đào tạo song bằng tú tài theo chương trình của ĐH Cambridge (Anh quốc). Với cấp THPT, ngoài trường THPT Chu Văn An đã được thí điểm từ năm ngoái, năm nay vẫn tiếp tục tuyển sinh 50 em, còn có trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Học chương trình quốc tế với mức học phí thấp hơn rất nhiều so với các trường quốc tế, dân lập khác do có sự hỗ trợ của UBND thành phố, phụ huynh tỏ ra rất quan tâm, mong muốn cho con mình thử sức. Tuy nhiên, vì mọi điều còn quá mới mẻ nên họ cần càng nhiều thông tin về chương trình càng tốt, do xuất phát nỗi lo lắng con quá tải việc học cũng như chất lượng đào tạo thật sự của chương trình.

hnn-7937.jpg
Học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh minh họa
 

Năm 2017, trường THPT Chu Văn An là ngôi trường duy nhất được chọn thí điểm chương trình song bằng với 50 học sinh, chia thành 2 lớp. Để theo kịp chương trình song song của Việt Nam và 5 môn học bằng tiếng Anh, trong đó có 4 môn học để thi lấy chứng chỉ A - level (toán, lý, hóa, kinh tế), học sinh phải học trên 40 tiết/tuần với nhiều nội dung mới và phương pháp mới.

Trao đổi với báo chí bên lề lễ bế giảng năm học 2017 - 2018, bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, cho biết, hệ song bằng năm học vừa rồi có 49 học sinh theo học (1 em xin rút). Sau 1 năm, dù là chương trình mới, song kết quả có nhiều khả quan đáng ghi nhận.

“Với chương trình học cơ bản trong nước, có 47/49 trò đạt học sinh giỏi toàn diện. Chương trình song bằng với 5 môn, trong đó 4 môn lấy chứng chỉ A - level cho thấy các em rất nỗ lực cố gắng. Dù các bài kiểm tra của Cambridge số học sinh đạt điểm A chưa nhiều nhưng học sinh đạt điểm B, C và cả D nữa, cũng là điều dễ hiểu, quan trọng là dần xác định được năng lực của học sinh”, nữ hiệu trưởng này chia sẻ.

Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất, bà Mai Anh cho rằng đó là hệ thống cơ sở vật chất chưa thật sự hoàn thiện, đồng bộ, đủ tiêu chuẩn để đáp ứng phương pháp học tập học đi dôi với hành theo Cambridge. Hiện trường có 1 phòng thực hành vật lý đạt chuẩn quốc tế, còn phòng thực hành hóa học thì vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí.

hs.JPG
Học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh minh họa
 
 

“Theo tinh thần của Cambridge, nếu học không đi đôi với hành thì rất khó, vì chương trình ấy yêu cầu việc thực nghiệm và trải nghiệm. Trong kỳ thi cũng vậy, tới 40% số điểm là thi thực hành. Nếu thiếu đi hệ thống cơ sở vật chất theo chuẩn quốc tế thì dù có nỗ lực bao nhiêu, thầy trò cũng khó mà vượt qua được các giai đoạn tiếp theo của Cambridge, cũng như có cơ sở để trở thành trường thành viên của trường, từ đó mới có được ID vào hệ thống để khai tài nguyên của chương trình Cambridge cho việc dạy học của trường”, bà Mai Anh cho hay.

Có tăng nguồn giáo viên nước ngoài?

Một trong những yếu tố được phụ huynh quan tâm là chất lượng đội ngũ giáo viên. Họ thắc mắc rằng liệu chương trình quốc tế có được học bởi các giảng viên quốc tế? Về điều này, bà Lê Mai Anh thừa nhận chương trình A - level của trường hiện tại chưa có đủ nguồn giáo viên đáp ứng yêu cầu. Thực tế, phần lớn giáo viên được dạy hợp đồng bán thời gian thực hiện là chủ yếu theo đúng đề án là hợp đồng parttime với các thầy.

“Hiện trường có 2 nguồn: các thầy từ ĐH Anh quốc đảm đương môn tiếng Anh, kinh tế. Còn các thầy từ nhiều trường ĐH tên tuổi sẽ dạy toán, lý, hóa, bằng tiếng Anh. Hầu hết các thầy đều có CV tuyệt vời, đều là thủ khoa, dày dặn kinh nghiệm, được đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ tại Mỹ, có năng lực chuyên môn sâu”, bà Mai Anh nói.

Với việc tăng thêm 2 lớp song bằng vào năm học này, nữ hiệu trưởng cho hay sẽ phải bổ sung nguồn giáo viên tăng lên gấp đôi, từ 5 giáo viên lên 10 giáo viên (mỗi bộ môn có 2 giáo viên phụ trách), đồng thời huy động thêm các trợ giảng là các thầy cô giáo trong trường có tiếng Anh tốt và làm hợp đồng trợ giảng với một số sinh viên đỗ thủ khoa hệ đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh từ các trường ĐH.

Như vậy từ thực tế của trường THPT Chu Văn An, có thể thấy việc đào tạo song bằng tuy là hướng đi mang tính đột phá, song để đáp ứng được yêu cầu dạy và học, chắc chắn còn phải hoàn thiện nhiều hơn về hệ thống cơ sở vật chất và chất lượng đồng đều, đạt chuẩn của đội ngũ giáo viên. Đây cũng là điều mà các bậc phụ huynh đang kỳ vọng vào chương trình khi cho con ứng tuyển và theo học.

Từng gặp một số học sinh tham gia học song bằng ở Việt Nam, ông Ben Schmidt, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục Cambridge, bày tỏ sự ấn tượng khi thấy các em rất nỗ lực, chăm chỉ, có mục tiêu rõ ràng. "Chúng tôi có hàng nghìn học sinh theo học chương trình Cambridge mỗi năm trên thế giới. Theo đánh giá tổng quan, học sinh Việt Nam học song bằng có kết quả đáng khích lệ, chất lượng ngang bằng, thậm chí tốt hơn nhiều trường trên thế giới", ông Ben chia sẻ.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn