Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch 77/KH-UBND về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Kế hoạch nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động; Tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại từng địa phương.
Cùng với đó, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0…
Tại Kế hoạch này, Hà Nội dự kiến tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho 13.990 người, trong đó: Nhóm nghề nông nghiệp 5.740 người; nhóm nghề phi nông nghiệp 8.250 người.
Cụ thể, đào tạo cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ; người chấp hành xong hình phạt tù theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ; lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, trên địa bàn thành phố là 12.905 người.
Ngoài ra, thành phố sẽ đào tạo cho Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2016/TT- BLĐTBXH là 1.085 người.
“Thông qua việc thực hiện này, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 54%”, Kế hoạch nêu rõ.
Thành phố quy định, người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học và có nhu cầu học nghề.
Tiếp đến, đối tượng học nghề theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg; Đối tượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH; khoản 1 Điều 11 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP.
Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Không để các cơ sở đào tạo nghề không đủ điều kiện, tổ chức đào tạo nghề kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho người lao động.
Mức hỗ trợ đào tạo theo đơn giá dịch vụ đào tạo đối với trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Mức hỗ trợ cụ thể từng đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ đào tạo đối với các nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện công tác đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn thành phố để công tác thông tin, tuyền truyền đạt hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn