Gần 20 năm qua, bà Đỗ Thị Thúy (58 tuổi, quê Hưng Yên) ngày nào cũng lái xe máy chở rau lên khu vực quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để bán. Khi nghe tin Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm và tiến tới là cấm xe máy vào năm 2030, bà Thúy vô cùng lo lắng.
"Con gái đi lấy chồng xa, ở nhà chỉ còn 2 vợ chồng tôi, chồng thì ốm đau bệnh tật, không làm ra tiền. Hàng ngày, tôi đi lấy rau từ các đầu mối ở Hưng Yên, sau đó chở lên Hà Nội bán cho một số tiểu thương.
Thu nhập không cao nhưng cũng đủ cho vợ chồng rau cháo qua ngày. Nếu Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm và xe máy chạy xăng thì những người như tôi sẽ rất khó khăn, tuổi cao rồi, rất khó tìm việc thay thế", bà Thúy nói.
Anh Đỗ Bá Sơn (quê Hải Dương) làm nghề lái xe tải, chuyên chở vật liệu xây dựng tại khu vực huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, mấy ngày qua, anh được biết thông tin về việc Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ cấm xe chạy dầu diesel tại một số khu vực từ đầu năm 2025.
"Mấy hôm nay, anh em trong đội xe bàn luận về việc này rất nhiều, mọi người toàn chạy xe tải hạng nặng nên cũng khá lo lắng, vì không biết thời gian tới công việc có bị ảnh hưởng gì không? Tôi gần 50 tuổi rồi, giờ mà đi tìm công việc mới thì rất ái ngại", anh Sơn bày tỏ.
Trao đổi với PV Báo PNVN, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông vận tải, cho biết, việc hạn chế phương tiện gây ô nhiễm vào nội đô, nhiều quốc gia đã làm từ lâu.
Về mặt giải pháp cho xe tải chạy dầu diesel, Hà Nội đã có các đường vành đai. Khi thực hiện cấm xe dầu di chuyển xuyên qua nội đô thì các xe đó sẽ đi trên đường vành đai để hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Đánh giá về chủ trương hạn chế, tiến tới là cấm xe máy vào nội đô Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc thực hiện sẽ không dễ. Bởi hiện nay, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, có những người dựa vào chiếc xe máy "cà tàng" mà nuôi sống cả gia đình. Nếu cấm thì họ biết phải làm sao? Hà Nội cần có giải pháp cho những đối tượng chịu ảnh hưởng này.
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, chuyên gia Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, không nên cấm phương tiện cá nhân bằng biện pháp áp đặt, thay vào đó, cần phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông.
Giải pháp chống ùn tắc đưa ra nhưng phải đảm bảo duy trì các phương thức đi lại, chứ không được gây ảnh hưởng, làm giảm mật độ, mạch lưu thông của những dòng phương tiện ấy.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, các tuyến đường sắt đô thị như: Tàu ngoại thành, tàu điện mặt đất, metro ngầm và trên cao… đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân.
Trong khi đó, TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản (đơn vị tư vấn trong lĩnh vực xây dựng, nghiên cứu khả thi, quản lý dự án giao thông...), băn khoăn:
"Xe máy là phương tiện chủ lực hiện nay, nếu cấm xe máy vào khu vực nội đô, người dân sẽ đi lại bằng gì? Trong khi dịch vụ giao nhận hàng hoá, từ vật phẩm đến đồ ăn, hiện nay rất phát triển. Nếu cấm lưu hành xe máy thì có phương tiện gì để thay thế?".
UBND TP Hà Nội vừa lấy ý kiến người dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Đến nay, Hà Nội đưa ra dự thảo lần 2 với những quy định cụ thể hơn. Theo đó, các khu vực được xem xét hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm bao gồm 12 quận hiện nay (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông); 5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020-2025 (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Đối tượng áp dụng Nghị quyết trên là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trừ ô tô điện, xe máy điện) di chuyển vào vùng phát thải thấp phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ các phương tiện ưu tiên theo quy định tại Điều 27 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024. Theo đó, các phương tiện bị hạn chế bao gồm ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe mô tô, xe gắn máy... chạy bằng xăng, dầu, dự kiến sẽ bị hạn chế tại một số khu vực ở Hà Nội từ năm 2025.
Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo Nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017). Thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và khí xả thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi; chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn