Hơn tháng nay, chị Lương Thị Thảo, ngụ tại Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân – Hà Nội) rơi vào tình trạng thất nghiệp, khi khách sạn nơi chị làm việc cắt giảm tới 60% nhân viên. Ngày nào chị mải miết lên các trang mạng để tìm kiếm việc làm, nhưng vô vọng. Dịch bệnh Covid-19 khiến cho các khách sạn lớn nhỏ ở thành phố đều gặp khó khăn, buộc cắt giảm nhân sự.
Chị Thảo tâm sự: Hàng tháng vẫn đủ các loại chi phí từ tiền thuê nhà, tiền điện nước, chi phí tiền sinh hoạt của 2 vợ chồng trẻ và 1 con nhỏ 4 tuổi… đều đổ cả lên số lương ít ỏi của chồng. "Những lúc khó khăn thế này, cả 2 vợ chồng đều phải co kéo, tiết giảm tối đa các chi phí. Trong khi bản thân thất nghiệp ở nhà càng càng thấy bí bách, sốt ruột mà chưa biết xoay sở ra sao", chị Thảo ngao ngán.
Qua tìm hiểu, không ít người lao động có tham gia BHXH bắt buộc, nhưng khi rơi vào cảnh mất việc làm, lại lãng quên một điểm tựa an sinh quan trọng là Bảo hiểm thất nghiệp. Khi được hỏi về việc có được tham gia BHXH, chị Thảo như mừng rỡ tìm được lối thoát tạm thời để vượt qua được lúc khó khăn này.
Chị làm việc tại một khách sạn lớn ở Hà Nội, được tham gia BHXH bắt buộc suốt 8 năm qua. Chị thừa nhận trước nay chỉ để ý tới các chế độ như thai sản. hay khi về già thì có lương hưu, nhưng lại chưa từng nghĩ tới chế độ rất quan trọng là bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí "quên" luôn cả việc làm thủ tục để thụ hưởng chính sách an sinh này.
Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), riêng trong tháng 2/2020, có hơn 4.000 trường hợp đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, hoặc cắt giảm sản xuất, kinh doanh ở 80 doanh nghiệp.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 6.900 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng
Theo quy định hiện hành, trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương, nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo Nghị định 28/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm có: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc gồm: Hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc, Sổ bảo hiểm xã hội.
Sau khi hoàn thiện và nộp đủ hồ sơ theo quy định, người lao động cần quay lại trung tâm dịch vụ việc làm theo ngày hẹn để nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền trợ cấp tháng đầu tiên.
Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp phụ thuộc vào số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp:
Cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Theo quy định, cơ quan BHXH chỉ giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Với trường hợp quá 3 tháng, người lao động không đến nhận tiền trợ cấp và không thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH, thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cũng theo Nghị định này, sau 3 tháng, người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn