UBND huyện Sóc Sơn đã phân công ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú, phụ trách kinh tế tạm thời điều hành hoạt động của UBND xã.
Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, tại xã Minh Phú có 18 trường hợp xây dựng các công trình trên đất được quy hoạch là rừng phòng hộ. Trong số đó có những công trình xây dựng mới nhưng phần lớn là tồn tại từ những năm 2017-2018.
Sáng 1/11, ở khu lâm trường xã Minh Phú, nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Nội quản lý, lực lượng Thanh tra xây dựng, công an huyện và xã Minh Phú trực canh ở một số khu vực trước đây có hoạt động xây dựng để ngăn chặn hoạt động chuyên chở vật liệu xây dựng, ngăn chặn hành vi xây dựng mới phát sinh.
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt kế hoạch cưỡng chế số các công trình vi phạm, đồng thời thực giao cho các ban ngành liên quan thực hiện giám sát quá trình xử lý vi phạm.
"Đến thời điểm này, chúng tôi đã cưỡng chế và có 3 hộ dân ở đã tự tháo dỡ công trình. Các lực lượng chức năng của huyện không gặp áp lực gì. Không có trường hợp ngoại lệ nào trong quá trình tháo dỡ 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng ở Minh Phú. Việc tháo dỡ sẽ được huyện đôn đốc xong trong tháng 11 này", ông Nguyễn Trường Giang thông tin.
* Trước đó, liên quan đến việc hàng trăm hecta rừng phòng hộ tại 2 xã Minh Phú, Minh Trí (huyện Sóc Sơn) bị “xẻ thịt”, ngày 30/10, tại phiên họp giao ban công tác UBND thành phố Hà Nội tháng 10/2018, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt xử lý các công trình sai phạm.
Chỉ ra những vi phạm trật tự xây dựng ở Sóc Sơn thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý cũng như sự hạn chế trong khâu phối hợp giữa huyện Sóc Sơn với các Sở, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải cương quyết xử lý, không để tồn tại công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, với 27 công trình vi phạm mới trên đất rừng đặc dụng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội và huyện Sóc Sơn phải tổ chức cưỡng chế vi phạm.
Trước hết, cần thông báo để các hộ tự tháo dỡ. Nếu các hộ không chủ động thực hiện thì ra quyết định cưỡng chế để tháo dỡ. Với các công trình vi phạm từ trước, phải thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.