Hà Nội: Gửi thực phẩm vào khu vực phong tỏa, cần lưu ý gì?

11:57 | 24/08/2021;
Tất cả các đồ gửi vào trong khu vực này cần bọc kín để phun khử khuẩn, không làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ bên trong khi được đưa vào khu cách ly.

Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội có thêm 2 phường (cùng thuộc quận Đống Đa) có quyết định thực hiện cách ly y tế. Cụ thể, sau khi ghi nhận hàng loạt ca mắc Covid-19, chính quyền Q.Đống Đa (Hà Nội) đã quyết định cách ly y tế 2 phường Văn Chương, Văn Miếu với hơn 21.000 dân để phòng, chống dịch. Theo đó, thời gian áp dụng 14 ngày kể từ 18h00 ngày 21/8/2021 đến 18h00 ngày 4/9/2021.

Những ngày qua, nhiều người dân cho biết, họ khá lúng túng khi gửi đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người thân đang sống trong khu vực bị phong toả bởi có những quy định riêng trong quá trình gửi hàng hoá vào khu vực này.

Theo quy định, tất cả người dân tại địa bàn dân cư phường Văn Chương, Văn Miếu không được tiếp xúc với người khác; không được ra khỏi vùng cách ly trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp khác.

Gửi thực phẩm vào khu vực phong toả, cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Quận Đống Đa đã quyết định cách ly y tế 2 phường Văn Chương, Văn Miếu với hơn 21.000 dân để phòng, chống dịch.

Để gửi hàng hoá, đồ dùng, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực này, theo lãnh đạo UBND quận Đống Đa, người dân phường Văn Chương được nhận hàng hóa tại 2 chốt là ngã 3 ngõ Văn Chương - Văn Chương II (trước trường Tiểu học Văn Chương) và chốt Quốc Tử Giám - Văn Miếu (số 59 phố Quốc Tử Giám). Người dân phường Văn Miếu nhận tại 2 chốt Văn Miếu - Nguyễn Thái Học và chốt Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn. Đây là 4 chốt mở trong số 17 chốt kiểm soát phòng chống dịch, phong tỏa của quận Đống Đa. Ngoài 4 chốt này, người dân không được tiếp nhận hàng hóa bất kể hình thức nào tại 13 chốt còn lại.

Mỗi chốt gồm khoảng 10 thành viên là lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh niên, dân quân tự vệ…. Trong đó, chốt mở là chốt được phép vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, y tế, phòng cháy chữa cháy.

Đối với các hàng hóa của người dân, lực lượng trực chốt có trách nhiệm hướng dẫn người gửi hàng tập kết hàng hóa tại khu vực tập trung. Mở sổ giao nhận hàng có ký nhận cụ thể và khử khuẩn toàn bộ số hàng hóa theo quy định.

Gửi thực phẩm vào khu vực phong toả, cần lưu ý gì? - Ảnh 2.

Tất cả các đồ gửi vào trong khu vực này cần bọc kín để phun khử khuẩn, không làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ bên trong khi được đưa vào khu cách ly.

Thời gian tiếp nhận hàng hóa các ngày thứ 2 (23 và 30/8), thứ 4 (25/8 và 1/9), thứ 6 (27/8 và 3/9) vào buổi sáng từ 8 - 10 giờ, chiều từ 15 - 17 giờ. Lực lượng chức năng sẽ bố trí phương tiện xe điện vận chuyển hàng hoá vào từng nhà dân.

Hàng hàng khi gửi cho người dân trong khu vực này được yêu cầu phải đóng thùng ghi đầy đủ thông tin người nhận lên nắp thùng hoặc đóng túi (dưới 5kg), dán thông tin người nhận phía ngoài túi bằng băng dính. Lưu ý, không để đồ ở các túi nhỏ tránh thất lạc.

Đối với đồ tươi sống, cần phải đóng thùng xốp bảo quản và ghi rõ thông tin trên nắp thùng "Đồ tươi sống". Tất cả các đồ gửi vào trong khu vực này cần bọc kín để phun khử khuẩn không làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ bên trong khi được đưa vào khu cách ly.

Đặc biệt, hàng hóa nếu xảy ra thất lạc, người dân có thể liên lạc với lực lượng chức năng phường sau 19 giờ hàng ngày để được giải quyết.

UBND phường Văn Chương và Văn Miếu sẽ có trách nhiệm thành lập và phân công nhiệm vụ nhóm vận chuyển, lực lượng nhận hàng tại chốt, thông báo đầu mối nhận hàng cho chỉ huy chốt. Chuyển hàng hóa tới người dân trong vùng phong tỏa và chịu trách nhiệm xử lý thông tin hàng hóa thất lạc, phối hợp với các chốt trực kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Theo lãnh đạo Công an quận Đống Đa, đơn vị này đã huy động gần 100 cán bộ chiến sĩ tăng cường cho các chốt. Trong đó, toàn bộ 17 chốt phong tỏa sẽ có Chỉ huy các đội nghiệp vụ trực 24/24 để kịp thời xử lý các tình huống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn