Đó là lời cảm thán của một người dân sống gần khu chung cư bỏ hoang thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Khu chung cư được xây dựng từ khoảng chục năm nay trên vị trí đắc địa, chạy dài dọc theo tuyến đường Lý Sơn, thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Cả khu có 05 block, với hàng trăm căn hộ đã hoàn thiện khá khang trang, nhưng từ nhiều năm nay, không có dân dọn về đây ở như mục đích xây dựng ban đầu.
Trải qua thời gian mưa nắng, đến nay, khu công trình nhà ở này đã có dấu hiệu xuống cấp, sân nền nứt vỡ, sơn tường bong tróc, những tấm mái che rơi vỡ tả tơi, tạo ra cảnh sập sệ nhếch nhác mất mỹ quan.
Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân ở đối diện khu nhà giãn dân, cho biết: "Nhiều năm nay không thấy ai về ở, hiện nay mỗi tòa nhà có một bác làm bảo vệ trông nom và quét dọn thôi. Một số tòa thì có người ở dưới tầng một, nhưng đấy chỉ là những công nhân xây dựng, họ ở tạm để tiện làm công trình gần đây. Chẳng biết bao giờ có người về ở, nhưng để lâu thì chắc chắn nó sẽ nhanh hư hỏng".
Ông Trần Thanh Tiến là chủ một hộ dân sống bên cạnh khu giãn dân. Hàng ngày ông lấy công việc trồng rau trên các khu đất khuôn viên tòa nhà thay cho tập thể dục. Ông chia sẻ: "Họ bỏ hoang lâu quá, nên tôi tiếc đất, mới xuống trồng rau vào các ô đất khuôn viên cho đỡ phí. Để không thì vài hôm là cỏ mọc um tùm ngay. Nhìn khu nhà này chúng tôi tiếc lắm, bao nhiêu người dân không có nhà ở, phải sống chen chúc chật chội. Ở đây lại bỏ hoang cả trăm căn một cách lãng phí quá".
Clip: Khu chung cư giãn dân "bỏ hoang" vì không có người ở
Ông Lê Văn Quy, là một trong những người được thuê làm bảo vệ ở khu nhà này, cho biết: "Từ lúc xây xong là tôi làm bảo vệ trông nom một tòa nhà ở đây, đến nay đã được 6 năm rồi. Giờ không có dân về ở nên mình vẫn làm nhiệm vụ trông nom 24/24h. Do không có người ở nên nhiều hạng mục cũng bị hư hỏng là không tránh khỏi. Trước cũng có người bên phố cổ sang xem nhà, họ nói ở đây thì thích, thoáng mát, nhưng không biết làm gì để sinh sống. Cứ tình hình này thì cũng chẳng biết đến bao giờ mới có người đến ở nữa".
Theo bản quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố hồi tháng 3/2021, sẽ có khoảng 215.000 dân cư sẽ được di dời ra khỏi nội đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Và cũng theo tính toán của UBND quận Hoàn Kiếm thì khu vực phố cổ Hà Nội sẽ phải di dời khoảng 20.000 dân trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Tuy nhiên, cho đến nay việc di dời dân về các khu giãn dân là rất khó thực hiện, bởi người dân phố cổ đã quen cảnh sống và mưu sinh trên các khu vực nội đô đông đúc. Điều khiến họ lo lắng không dám rời đi là không biết làm gì để sống khi đến nơi ở mới.
Ông Nguyễn Văn Quý, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, cho biết: "Ở phố cổ chật chội, nhưng còn có việc làm kiếm tiền hàng ngày nuôi sống gia đình. Chuyển sang khu nhà giãn dân bên Long Biên thì quả thực là điều kiện không gian sống sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng sang bên đó ở chúng tôi không biết làm công việc gì để sống."
Bà Nguyễn Thu Hằng, phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm cũng chung quan điểm: "Không phải chúng tôi không muốn đi, không muốn giãn dân, mà vì sang đó không tìm được công việc để mưu sinh. Chẳng lẽ sang đó ở nhà rộng nhưng ngồi chờ chết đói".
Ngày 09/01/2013, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 168/QĐ-UBND về việc phê duyệt "Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm". Theo UBND quận Hoàn Kiếm, đây là một trong những giải pháp nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ của lãnh đạo thành phố. Giai đoạn I của đề án (2009-2015) thực hiện di dời 1.530 hộ từ khu phố cổ sang sinh sống tại khu nhà ở giãn dân Việt Hưng (quận Long Biên). Giai đoạn II của đề án (2013-2020) thực hiện di dời nốt 5.020 hộ dân đang sống trong khu phố cổ sang khu đô thị giãn dân mới Thượng Thanh, Long Biên. Quỹ đất dùng để xây dựng chung cư giãn dân ở Thượng Thanh rộng khoảng 30ha, có vị trí tương đối đẹp, không cách xa khu vực phố cổ và khu vực giãn dân Việt Hưng. Đề án giãn dân phố cổ giai đoạn II kết thúc vào năm 2020. Tổng mức đầu tư ước tính cho dự án là hơn 4.900 tỷ đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn