Báo PNVN nhận được đơn cầu cứu của hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu đất dịch vụ xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, về việc trong suốt nhiều năm sống và sinh hoạt nhưng không hề có đầy đủ cơ sở hạ tầng và điện nước.
Theo nội dung người dân xã Lại Yên phản ánh, họ đã về đây sinh sống 10 năm, mọi quy định của địa phương về đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thuế, phí… đều được chấp hành nghiêm chỉnh. Thế nhưng, dân cư tại đây không được hưởng các tiện ích thiết yếu như điện, nước, vệ sinh môi trường.
Để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, người dân phải tự xoay xở, điện phải kéo từ các khu vực lân cận với mức giá cao, sử dụng nước giếng khoan nhưng nguồn nước rất ô nhiễm.
Theo ghi nhận thực tế của PV, phản ánh của người dân là đúng. Các hộ dân sinh sống tại đây phải dùng nước giếng khoan, dù biết không đảm bảo vệ sinh nhưng "làm gì có nước sạch mà dùng". Còn điện thì phải đi câu nhờ từ các khu vực lân cận, hệ thống dây điện được đấu nối chằng chịt từ nhà này sang nhà khác, nhiều đoạn võng xuống rất thấp. Tình trạng này rất nguy hiểm, đặc biệt là vào đêm tối khi nơi đây hoàn toàn không có đèn đường.
Không chỉ thiếu điện nước, người dân tại đây cũng rất lo lắng khi hạ tầng khu đất dịch vụ chưa hoàn thiện. Nhiều hố ga không có nắp gây nguy hiểm, đặc biệt khi trẻ con chơi đùa quanh đây. Việc người dân tự che chắn tạm cũng không thể đảm bảo.
"Chúng tôi phải đóng 810.000 đồng/m2, trong đó có tiền đền bù đất cát, cơ sở hạ tầng, tiền điện, nước cho đến hệ thống thoát nước… Người ta thu ngần ấy tiền của dân, mà nhà cửa làm xong hết vẫn chưa được cấp điện, xin cấp điện thì họ bảo chưa có chương trình nên dân phải tự túc đi xin, đi nhờ", bà Nguyễn Thị Thùy (56 tuổi, xã Lại Yên) bức xúc nói.
Bà Thùy cho biết thêm, đường dây điện ở đây chỉ được đỡ bằng cột tre tạm bợ, vào những hôm mưa gió bão bùng, đặc biệt là vào ban đêm thì không ai dám đi lại qua đây vì cột điện có thể đổ bất cứ lúc nào.
"Một số hộ dân câu điện nhờ chỉ dám lắp quả bóng đèn, hay sạc pin điện thoại chứ không dám dùng điện vào việc khác. Đợt trước tết, đã có nhà bị cháy toàn bộ thiết bị, từ bếp điện, nồi cơm, tivi, tủ lạnh. Mấy ngày liền phải thắp đèn dầu trong nhà, không chịu được cảnh sống thiếu điện nên họ đã dọn về nhà người thân trong làng ở", bà Thùy cho hay.
Bà Nguyễn Thị Phượng (62 tuổi) cho biết, trước kia gia đình bà 1 tháng chỉ hết khoảng 500 nghìn tiền điện, nhưng kể từ khi ra sống ở đất dịch vụ, tiền điện mỗi tháng tăng gấp 2-3 lần. Bởi nhà bà đang phải dùng chung một công tơ điện với một hộ dân khác và giá tiền điện cũng khác.
"Đã nhiều lần chúng tôi gửi đơn lên xã, lên cả huyện, các đơn vị này cũng hứa cấp điện, nước nhiều lần nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì. Nhà tôi có cháu nhỏ, toàn phải mua nước đóng bình về tắm chứ không dám tắm cho cháu bằng nước giếng khoan. Có lần tôi quên, lấy nước giếng khoan tắm cho cháu thế là nó nổi mẩn, ngứa hết người, đưa đi viện hết mấy triệu tiền thuốc mới khỏi", bà Phượng nói.
Còn ông Nguyễn Văn Hiền (64 tuổi) cho biết, ông về khu đất dịch vụ này sinh sống được hơn 3 năm, nhưng không câu nhờ được điện nhà ai nên phải dùng ắc quy: "Buổi tối chỉ dám thắp cái đèn lên ăn cơm chứ chẳng dám bật tivi xem tin tức, sống ở Hà Nội mà còn "tối cổ" hơn cả vùng sâu vùng xa. Cứ nói sắp được lên quận, nhưng đến cái đường điện còn chưa lắp được thì lên quận cái nỗi gì", ông Hiền nói.
Theo tìm hiểu của PV, xã Lại Yên có khoảng 20 ha đất dịch vụ, đã bàn giao cho 1.200 hộ dân trong giai đoạn 2008-2012. Đến nay, đã có hàng trăm ngôi nhà khang trang, sạch đẹp được xây lên nhưng vẫn sống trong tình cảnh không được cấp điện nước sinh hoạt.
Việc chính quyền địa phương bàn giao đất ở cho người dân khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng liệu đã đúng quy định? Vì lý do gì mà việc hoàn thiện hạ tầng, đấu nối điện nước cho người dân khu đất dịch vụ xã Lại Yên lại bị chậm trễ như vậy?
PNVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn