Hà Nội: Hành khách đi tàu trên cao sẽ gửi xe máy, xe đạp ở đâu?

15:56 | 24/09/2018;
Dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đang hướng đến mục tiêu đủ điều kiện để đưa vào khai thác, vận hành thương mại trước Tết âm lịch 2019. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông như xe buýt, điểm trông giữ/gửi xe đạp, chưa hoàn chỉnh.

Xe buýt “chia lửa” với đường sắt đô thị

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, dự án tuyến đường sắt đô thị số Cát Linh-Hà Đông có 12 nhà ga. Thực tế hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối chưa đảm bảo thuận tiện cho người và các phương tiện tiếp cận với các ga cũng như giảm ùn tắc giao thông tại các khu vực, trong đó đặc biệt tại các ga có tuyến giao thông chính, có mật độ phương tiện giao thông cao như ga Cát Linh, Láng, Vành đai 3, Yên Nghĩa.

Ngoài ra, tại khu vực ngoài các nhà ga (ngoài phạm vi dự án) thiếu hệ thống chỉ dẫn giao thông đối với hệ thống đường sắt đô thị để thuận tiện cho hành khách. Trong khi đó, hạ tầng xe buýt chưa hoàn thiện và thuận tiện phục vụ cho việc kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, đặc biệt đối với việc hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia vận tải hành khách công cộng.

1111.jpg
 

Vì thế, phía Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan cần nghiên cứu bổ sung hệ thống biển báo, biển dừng đỗ xe khu vực các nhà ga để thuận tiện cho hành khách đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực; rà soát, điều chỉnh các đỉểm chờ xe buýt cho phù hợp với các nhà ga tạo thuận tiện cho hành khách.

Lãnh đạo Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải) cho biết, sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt trùng sẽ được giảm và điều chỉnh để gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

“Việc kết nối theo nguyên tắc xe buýt sẽ cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga. Tất cả các nhà ga đường sắt đều có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố,” ông Hải cho hay.

 

23.JPG
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

 

Bên cạnh đó, các vị trí hạ vỉa hè chưa đảm bảo; vỉa hè bị hàng quán chiếm dụng người đi xe lăn khó tham gia giao thông; một số khu vực có lát gạch dẫn đường cho người khiếm thị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn có vị trí lát sai rãnh dẫn đến dẫn hướng sai; thiếu các hệ thống chỉ dẫn lối sang đường…

Nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn khi đi đường sắt trên cao nhưng xe đạp, xe máy chưa biết sẽ gửi đâu?

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ bản các khu gian nhà ga có thể bố trí đỗ xe máy, xe đạp phục vụ hành khách tại gầm cầu thang hoặc vỉa hè xung quanh, chỉ có ga La Thành (trên phố Hoàng Cầu) là bị hạn chế (bên phải không thể bố trí, bên trái chỉ có thể bố trí ở gầm cầu thang); ga Thượng Đình bên phải không đỗ được xe (vướng khu vực cổng chợ).

“Tại các vị trí ga không bố trí được điểm đỗ xe, đề nghị Ủy ban Nhân dân quận sở tại nghiên cứu, đề xuất vị trí phù hợp”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho hay.

12 ga đường sắt là trung tâm trung chuyển

Nhằm khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, đặc biệt phương tiện đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Sở Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị trong khoảng cách 100-500m của các nhà ga dọc theo tuyến đường sát đô thị số 2A Cát Linh- Hà Đông (12 ga). 

Hà Nội cũng tính toán cải thiện trạm dừng xe buýt tới gần các ga đường sắt; cải thiện hành lang cho việc lưu thông xe buýt, nhà chờ, hệ thống sơn kẻ, cầu vượt, cải tạo vỉa hè, lòng lề đường, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông, các bãi đỗ các phương tiện giao thông cá nhân cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị...

 

ttxvn_tau_cat__linh.jpg
Đường sắt đô thị sẽ là xương sống, lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông đô thị tại Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam )

 

Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án điều chuyển các tuyến xe buýt dọc, bổ sung, các tuyến ngang kết nối và điều chỉnh tần suất hoạt động các tuyến cho phù hợp nhu cầu đồng thời nghiên cứu dịch chuyển các điểm dừng xe buýt cho phù hợp với nhà ga đường sắt.

Cụ thể, tại mỗi nhà ga bố trí một cặp điểm dừng (24 điểm dừng/12 nhà ga) sát ngay nhà ga để đảm bảo hành khách trung chuyển thuận lợi giữa xe buýt và tuyến đường sắt đô thị; xen giữa các nhà ga bố trí các điểm dừng để tạo thuận lợi cho người dân sử dụng xe buýt (cự ly gần nhất giữa các điểm dừng 300m, cự ly xa nhất giữa các điểm dừng 700m).

Giai đoạn đầu, Hà Nội điều chỉnh 50% lượt xe trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông của các tuyến 01, 02, 21A, 27 và 100% lượt xe của tuyến 33; điều chỉnh tăng cường xe buýt kết nối tại ga Cát Linh gồm các tuyến 22A, 25, 41, 90 (nghiên cứu điều chỉnh các tuyến kết nối bến xe Kim Mã và ga Cát Linh).

 

Chạy thử toàn tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. (Nguồn: VNEWS)
 

Thành phố cũng nghiên cứu phương án hỗ trợ vé cho hành khách, đặc biệt đối với người khuyết tật, trước mắt thực hiện miễn giảm các giá vé và giá dịch vụ đối với xe buýt; phát triển một hệ thống thẻ vé thông minh; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ gửi xe đạp, xe máy cho hành khách đi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Đối với các vị trí đỗ xe, ngoài các vị trí khu vực nhà ga, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu, đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận nghiên cứu thêm mặt bằng khu vực (trên hè, khu để xe tại các tòa nhà, các khu đất lân cận,...), phối hợp với Sở đề xuất vị trí phù hợp để trông giữ xe đạp, xe máy cho hành khách, đảm bảo thuận tiện, an toàn và đáp ứng đủ nhu cầu.

Giai đoạn trước mắt để phục vụ kịp thời tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dự kiến cuối năm 2018 đưa vào khai thác, Sở Giao thông Vận tải đề nghị thành phố Hà Nội cho phép đơn vị tổ chức giao thông tạm thời trên cơ sở hiện trạng, phối hợp với phương án điều chỉnh luồng tuyến xe buýt để phục vụ cho công tác vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; bố trí để xe đạp, xe máy tạm thời dưới gầm các cầu thang lên, xuống…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn