Danh sách đánh giá mức độ an toàn của Numbeo tính đến những yếu tố như tỷ lệ tội phạm, mức độ gia tăng tội phạm trong 3 năm gần đây, nỗi lo lắng về trộm cướp, cướp có vũ trang, vấn đề về hành vi sử dụng chất cấm... Trong đó, chỉ số tội phạm của Hà Nội ở mức thấp với 33,14 điểm. Ngoài ra, khách du lịch có thể an tâm đi bộ một mình vào ban ngày và ban đêm.
Trước đó, Hà Nội đã được vinh danh giải thưởng "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022". Đây là một hạng mục quan trọng trong hệ thống các giải thưởng của Tổ chức Du lịch Thế giới. Việc Hà Nội liên tục lọt top điểm đến an toàn hàng đầu thế giới và trong khu vực là nhờ những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô, trong đó có vai trò của các cấp Hội LHPN Thành phố.
Hướng tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em
Vào mỗi buổi chiều, "Sân chơi tái chế cho trẻ em" tại tổ dân phố Hoàng Liên 2, phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tràn ngập tiếng cười, nói của người dân. Chị Phương Thuý (phường Liên Mạc) chia sẻ: "Chỗ vui chơi công cộng cho trẻ bây giờ không nhiều nên những sân chơi như thế này là điều mong mỏi của người dân chúng tôi".
Chủ tịch Hội LHPN phường Liên Mạc Nguyễn Thị Hồng Huyền cho hay, với mong muốn tận dụng nguồn rác thải tái chế một cách hiệu quả, an toàn, Hội LHPN phường đã phối hợp với các đơn vị xây dựng sân chơi cho trẻ em từ rác thải tái chế, bảo đảm an toàn đối với trẻ em. Sau hơn 2 tháng thực hiện, "Sân chơi tái chế cho trẻ em" đã hoàn thành các hạng mục, gồm cầu bập bênh 4 chiều, tường lốp, cầu lốp treo thăng bằng, bàn ghế lốp... Tổng kinh phí thực hiện gần 40 triệu đồng cùng nhiều ngày công lao động của cán bộ, hội viên phụ nữ phường.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội LHPN Thành phố Hà Nội đã triển khai gần 500 điểm sân chơi, sinh hoạt cộng đồng. Đây thực sự trở thành nơi giao lưu, vui chơi, luyện tập thể thao an toàn cho phụ nữ, trẻ em và người dân. Ngoài ra, sáng kiến biến những đồ tái chế thành dụng cụ có ích trên sân chơi còn góp phần xây dựng khu dân cư thêm xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.
Hà Nội là nơi có nhiều người di cư từ các tỉnh, thành khác đến làm việc. Họ là một phần của thành phố, có những đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô. Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng đến môi trường nhà trọ an toàn, thân thiện.
Tháng 10/2022, Hội LHPN phường Định Công (quận Hoàng Mai) đã ra mắt câu lạc bộ (CLB) "Chủ nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em". Thành viên nòng cốt của CLB là chủ các nhà trọ trên địa bàn phường. Chị Phùng Thị Thanh Vân, Chủ nhiệm CLB, cho biết, CLB nhằm tuyên truyền, phổ biến thông tin, quy định của địa phương về quản lý nhà trọ. Các thành viên trong CLB chủ động giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà trọ an toàn và thân thiện; hướng dẫn, vận động người thuê trọ nghiêm túc chấp hành pháp luật và các quy định của địa phương.
Sẵn sàng lên tiếng
ÔNG ĐINH TIẾN DŨNG,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nhấn mạnh tại Hội nghị đối thoại với đại biểu phụ nữ Thủ đô năm 2022:
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của phụ nữ Thủ đô và các cấp Hội LHPN Thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Đặc biệt các chị em đã rất tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và hiện nay là tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố phải tiếp tục tăng cường chỉ đạo, cùng với các cấp, các ngành và các cấp Hội LHPN Thành phố thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch, mô hình để xây dựng thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ, trẻ em, từng bước xóa bỏ định kiến về giới; hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ Thủ đô có điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của thành phố”.
Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện Dự án "Thành phố an toàn, thân thiện đối với trẻ em gái" tại 5 quận, huyện, gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa, hướng tới nhóm học sinh từ 12 đến 15 tuổi. Dự án nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đưa ra những đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương nhằm cải thiện môi trường an toàn cho trẻ em gái nơi công cộng. Những dự án này đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hàng nghìn cán bộ giao thông; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, quấy rối tình dục ở nơi công cộng cho hàng vạn phụ nữ, trẻ em gái.
Em Phan Thị Phương Thảo (học sinh lớp 10, quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: "Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới, bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái, giúp em hiểu rõ hơn, muốn được an toàn, trước hết bản thân nữ giới cần thay đổi. Thay vì e dè, sợ hãi, chúng em đã sẵn sàng lên tiếng khi gặp tình huống, vấn đề đe dọa sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái".
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Hà Nội, khẳng định, trong năm 2023, các cấp Hội LHPN Hà Nội sẽ tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em; chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền trẻ em; kịp thời phát hiện, lên tiếng, đề xuất chính quyền, các ngành chức năng xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn