Sáng ngày 27 tháng chạp, quán cà phê Yến (khu đô thị Việt Hưng) xuất hiện khá nhiều bạn trẻ làm việc, phục vụ khách vào uống cà phê. Đây là những nhân viên được chủ quán tuyển dụng theo dạng lao động thời vụ trong những ngày Tết. Vì nhân viên của quán đã về quê nghỉ Tết từ ngày 26 tháng chạp.
Bà Nguyễn Thu Vân, chủ quán cà phê, chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, từ ngày 27 tháng Chạp đến ngày mùng 6 Tết cửa hàng chúng tôi phải tuyển học sinh, sinh viên ở địa phương phụ việc. Bởi thời điểm này nhân viên đã về quê ăn Tết, trong khi cửa hàng tôi kinh doanh xuyên Tết, nên tuyển người làm việc thời vụ là giải pháp hợp lý nhất”.
Nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn làm thêm trong dịp Tết Nguyên đán trong các quán cà phê
Chị Nguyễn Vân Anh chủ quán cà phê ở phố cổ Hà Nội, chia sẻ: "Để giữ khách hầu như các quán cà phê đều hoạt động xuyên Tết, nên cần có nhân lực làm việc. Học sinh, sinh viên hiện nay khá nhanh nhẹn và làm việc tốt. Về mức lương, chúng tôi tính theo giờ làm việc, mỗi giờ 40 đến 45 nghìn đồng, cũng có nơi trả cao hơn, tùy thuộc vào lượng khách nhiều hay ít và tính chất công việc. Nếu không có học sinh, sinh viên đi làm thêm thì các cửa hàng kinh doanh dịch vụ vào dịp lễ tết sẽ rất căng, vì không có người làm. Vào những ngày này, chúng tôi cũng phải chấp nhận trả lương cao hơn ngày thường"- chị Vân Anh cho hay.
Tại cửa hàng tiện ích ở một khu chung cư thuộc phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội), nam sinh viên Trần Hoàng Minh đang tất bật với công việc sắp xếp hàng để vận chuyển giao cho các khách hàng ở các căn hộ trong khu chung cư. Hàng ngày, Minh và một bạn nữa phải đi giao rất nhiều chuyến hàng như thế cho các khách mua qua kênh online.
“Em đã cộng tác với cửa hàng này 3 năm rồi nên khá quen việc, cứ đến dịp giáp Tết là em đến làm. Cũng nhờ công việc này, em hiểu hơn về ý nghĩa và các sản phẩm chủ đạo trong ngày Tết”- Hoàng Minh chia sẻ.
Bạn Lê Thanh Hà, học sinh lớp 12, ở Long Biên, Hà Nội, cho biết: "Cứ dịp lễ tết là cháu xin ra làm việc ở quán cà phê, ngày nghỉ ở nhà cũng chán, cháu ra làm việc ở đây thấy vui mà cũng có thêm thu nhập. Cháu làm thêm công việc này từ năm học lớp 10. Ban đầu cháu chỉ bưng bê và dọn bàn nhưng hiện tại cháu đã biết pha chế một số đồ uống cho khách rồi”.
Theo bạn Nguyễn Hải Phong (Đông Anh, Hà Nội): "Em đi làm thêm ở cửa hàng tạp hóa chuyên về thực phẩm, mỗi ngày được 400 nghìn tiền lương, ngày nào tính tiền ngày ấy. Công việc khá vất vả, vì phải luôn chân luôn tay, bởi những ngày cận Tết khách hàng rất đông, hàng hóa tiêu thụ nhiều. Em học kinh tế, nên đi làm thêm như thế này rất hữu ích. Em hiểu thêm thực tế kinh doanh, nhiều điều khác xa với những gì mình đã biết, đã học. Đặc biệt là việc nắm bắt tâm lý của khách mua hàng”.
Chị Hoàng Kim Thanh (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Ban đầu con tôi xin đi làm thêm, tôi cũng không đồng ý, vì lo con vất vả, lại mang tiếng phải đi kiếm tiền quá sớm. Thế nhưng ông xã tôi lại ủng hộ và cho rằng đây cũng là cơ hội để con trải nghiệm cuộc sống, biết thêm giá trị lao động. Làm thêm ở quán cà phê, ban đầu con cũng kêu vất vả, nhưng vẫn rất vui, nên tôi cũng động viên con cố gắng”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn