Mặc dù cả tuần nay không có mưa to nhưng căn nhà của bà Đỗ Thị Phượng, sống tại ngõ 139 Âu Cơ, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), vẫn "chìm trong biển nước", lúc cao điểm, sàn nhà ngập lên đến 1 mét. Với kinh nghiệm từ nhiều năm trước nên thấy mưa to, bà lại kê hết đồ điện tử lên cao. Bà Phượng cho biết, cả gia đình và các hộ xung quanh đã phải chịu cảnh ngập lụt suốt từ năm 2011 đến nay. Những trận mưa lớn vừa qua đã khiến hàng trăm hộ dân sống trong biển nước, giao thông gặp nhiều khó khăn, cuộc sống đảo lộn. "Từ ngày 23/5 cho tới nay, chúng tôi liên tục phải lội nước mỗi khi ra vào nhà. Mọi đồ đạc như: bếp gas, tủ lạnh, quần áo, bát đũa phải chuyển hết lên tầng 2. Vì dưới tầng 1 nước ngập sâu gần 1 mét. Nhà tôi có trẻ con nên rất lo lắng, nhiều nhà có trẻ con cũng đưa đi ở nhờ nhà người thân rồi. Chắc sắp tới tôi phải đưa cháu về lánh tạm ở nhà bà ngoại một thời gian vì nghe nói sắp tới lại có các đợt mưa lớn", bà Phượng nói.
Để di chuyển không bị ướt, người dân đã dựng lên những "cây cầu khỉ". Người trẻ thì còn đỡ, chứ người già chỉ cần sơ sẩy một chút sẽ ngã xuống và lĩnh đủ thứ nước thải. Ngoài ra, người dân sống tại đây nhà nào cũng phải tự sắm cho mình một chiếc thuyền hoặc chiếc xe kéo để di chuyển.
"Tôi sống ở cuối ngõ 91, ngay cạnh hồ Tứ Liên. Mỗi khi mưa lớn, nước trong hồ lại tràn vào tận nhà. Việc di chuyển càng khó khăn, nhất là buổi tối không có đèn, ngã lúc nào cũng không biết. Mỗi lần mưa lớn là nước mưa, nước từ cống, bể phốt tràn ra, gây ngập sâu trong nhiều ngày, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều gia đình phải đến nhà người thân để tá túc do tầng một bị nước thải bủa vây, bốc mùi hôi thối", bà Mai Thị Hằng chia sẻ.
Nhiều nhà dân ở trong ngõ 139 lấy tấm gỗ chặn tại cửa, dùng máy bơm hút nước ra nhưng cũng không có tác dụng là mấy khi bơm ra ngoài, không lâu sau nước lại ngấm vào. Tại khu vực sân của nhà văn hóa phường, hàng ngày tập trung đông người dân chơi bóng chuyền, cầu lông vẫn lênh láng nước. Khoảng 200 hộ dân sống gần hồ Tứ Liên, từ ngõ 91 đến ngõ 139 Âu Cơ bị ảnh hưởng. Đây là những hộ dân sống trong đê, cách sông Hồng hơn 1 km. Trong đó, ngõ 139 Âu Cơ là điểm ngập sâu nhất, có nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nhất.
Ông Đỗ Văn Yến (ngõ 139 Âu Cơ) bức xúc: "Chúng tôi là người sinh ra, lớn lên ở làng Tứ Liên, chứng kiến 11 năm nay cứ mưa lớn là ngập. Người dân gửi đơn thư đến nhiều cấp nhưng vẫn không thấy xử lý. Sau khi nước rút hết là ổ ruồi, muỗi... phát triển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng diện rộng là do lòng hồ Tứ Liên nhiều năm chưa được cải tạo, khiến nước không thể tiêu thoát. Ngoài ra, trên địa bàn xuất hiện nhiều dự án bất động sản làm nước hồ Tứ Liên không thể thoát ra hồ Tây".
Bà Đinh Thị Liên (cùng ở ngõ 139 Âu Cơ) cho biết, trong suốt 11 năm qua, cứ mưa lớn là gia đình bà phải be bờ trước cửa nhà ngăn nước ngập. Có mưa lớn lại ngập khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Như trận mưa cuối tháng 5 vừa rồi, ngập sâu không thể ra ngoài mua đồ ăn, sống giữa Thủ đô mà chẳng khác gì làng chài ven sông. "Mấy hôm nay trời nắng nên nước đã rút đi một chút. Còn những hôm trước, trẻ con ngày nào cũng bơi từ nhà ra ngõ rồi lại bơi về. Các cháu lớn một chút thì không sao, chứ mấy cháu mới học lớp 4, lớp 5 ra bơi là chúng tôi lo lắng lắm", bà Liên nói.
Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết, tình trạng cứ mưa lớn là lại ngập úng tại khu vực này đã xảy ra từ lâu. Cách đây mấy năm, Hà Nội chấp thuận cho một công ty hỗ trợ giải pháp nạo vét hồ Tứ Liên. Nhưng sau đó công ty này không thực hiện như cam kết và không có động thái nạo vét lòng hồ. "Hiện chúng tôi đã xin kinh phí bằng ngân sách quận để thực hiện các biện pháp chống ngập tại đây, không trông chờ vào công ty này nữa. Khoảng quý 3/2022, chúng tôi sẽ khởi công dự án nạo vét hồ Tứ Liên. Đây là giải pháp lâu dài và khi hoàn tất chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng", ông Khuyến khẳng định.
Theo ông Khuyến, do hồ Tứ Liên bị ách tắc không có đường thoát, khi trời mưa, nước sẽ dâng lên cao, tràn vào khu dân cư. Sắp tới sẽ làm cống thoát nước để dẫn từ hồ Tứ Liên chảy sang hồ Tây. Về các giải pháp chống ngập trước mắt, quận Tây Hồ đang bố trí các máy bơm công suất lớn tại hồ Tứ Liên để tiêu thoát nước. Khi nước rút, ngành y tế quận Tây Hồ cũng sẽ vào cuộc để xử lý môi trường sống tại khu dân cư này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn