Hà Nội: Hơn 15 nghìn lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề

14:47 | 10/07/2019;
Sáng nay, 10/7, tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội, với 93/93 đại biểu có mặt biểu quyết, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2020. Theo đó, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được lựa chọn để HĐND giám sát.

Tại cuộc họp sáng nay, HĐND TP quyết nghị thông qua chương trình giám sát của HĐND TP năm 2020 với 3 nội dung chính.

Thứ nhất, HĐND giám sát tại các kỳ họp gồm: Xem xét báo cáo của UBND TP về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng và cả năm 2020 của TP; các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định của Luật; chất vấn UBND, Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND TP và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND TP.

Thứ hai, HĐND giám sát chuyên đề gồm: Tình hình chấp hành các quy định pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay; tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5/12/2016 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

 

1-nghe190987a4.jpg
Ảnh minh họa 

Thứ ba, giám sát của Thường trực HĐND TP, các ban HĐND TP, đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND TP.

Vấn đề về đào tạo nghề vào giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại Hà Nội luôn là vấn đề nóng. Đầu năm 2019, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019”.

Theo đó, toàn thành phố sẽ đào tạo nghề cho 15.615 lao động nông thôn, trong đó có 9.060 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 6.555 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Việc đào tạo nghề cho lao động được Hà Nội thông qua hình thức hợp đồng đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện về đào tạo nghề theo quy định, với mục tiêu: Sau học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn... đạt tối thiểu 80%.

Với lao động nông thôn, khi tham gia học nghề, được thành phố hỗ trợ về đào tạo, bữa ăn, đi lại và học phí theo quy định; đồng thời, được lựa chọn học trong số 33 nghề (theo danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 trên địa bàn thành phố), trong đó có 16 nghề nông nghiệp và 17 nghề phi nông nghiệp...

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm 52,3% so với tổng dân số và đang có xu hướng giảm dần do khả năng già hóa dân số. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn của thành phố chiếm 48,9% trong tổng số lực lượng lao động; lao động nữ chiếm 49,7%.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm đến hết quý II/2019 chiếm 0,3% tổng số lực lượng lao động, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn chiếm 0,3%; khu vực thành thị chiếm 0,2%. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn