Hà Nội: Hơn 600 Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm

18:03 | 23/07/2019;
Vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyên, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tại Hà Nội đã được khẳng định, đánh giá bằng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực.

Chiều 23/7, Hội LHPN Hà Nội phối hợp cùng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội tổ chức Diễn đàn “Vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyên, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản của chuỗi”.

 

Khai mạc diễn đàn, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, khẳng định, vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sư phát triển kinh tế - xã hội bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi mà còn tác động đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, du lịch, thương mại và an sinh xã hội. Ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh do thực phẩm gây thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế, giảm năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.

 

atttp-3.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, khẳng định vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sư phát triển kinh tế - xã hội

 

Là một tổ chức chính trị - xã hội với đầu mối đơn vị trực thuộc lớn, số lượng hội viên đông, tham gia vào hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng thực phẩm; trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Nhiều mô hình hay được nhân rộng 

Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện ATTP như “Thực hiện thay đổi hành vi an toàn thực phẩm trong kinh doanh cửa hàng bán đồ ăn chín”; “Thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong khai thác sữa bò tươi”; "Thay đổi hành vi trong chăn nuôi và giết mổ lợn"; “Thực hiện sản xuất rau an toàn”; “Mô hình sử dụng 2 dao, 2 thớt trong chế biến thực phẩm tại gia đình”, “Điểm phân phối thực phẩm an toàn”... Các hộ sản xuất được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, ký cam kết thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các chất phụ gia ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

 

atttp-1.jpg
Đến nay có trên 600 Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm được thành lập và hoạt động hiệu quả

 

Mô hình Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai thực hiện năm 2017 và tiếp tục nhân rộng. Đến nay có trên 600 Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần giúp chị em phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

 

Tồn tại nhiều khó khăn, thách thức 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản của các chuỗi vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 

Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước với khoảng 10 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, hàng năm còn đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu (khoảng trên 60% nhu cầu); các mặt hàng khác như: gạo mới đáp ứng 35%; thịt bò đáp ứng khoảng 15%; thủy hải sản đáp ứng khoảng 40%; trứng gia cầm đáp ứng 66%; thực phẩm chế biến đáp ứng 25%; rau củ đáp ứng được 65%; trái cây an toàn, truy xuất nguồn gốc đáp ứng được 30% nhu cầu.

 

atttp-2.jpg
Các đại biểu tham gia diễn đàn đề xuất các giải pháp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

 

Qua đó cho thấy, nhu cầu về lương thực, thực phẩm là rất lớn nhưng sản lượng sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng hết nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô; sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa được thực hiện thường xuyên; người tiêu dùng Thủ đô mà cụ thế ở đây là hội viên phụ nữ (những người quyết định bữa ăn của gia đình) còn hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm nông sản theo chuỗi sàn xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.

 

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi trong thời gian tiếp theo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn