Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021. Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh. Nhưng chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có khoảng 77.000 học sinh, số còn lại vào trường tư thục. Như vậy, so với năm trước, số chỉ tiêu vào trường công lập đã tăng thêm 10.000 học sinh, nhưng năm nay sẽ vẫn có khoảng 27.000 học sinh trượt trường công lập.
Nếu so với tổng số học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại Hà Nội thì có đến 52.000 học sinh không tiếp tục học THPT công lập. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong số này, dự kiến sẽ có khoảng 27.000 học sinh sẽ vào học lớp 10 các trường ngoài công lập; khoảng 12.900 học sinh học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và 12.100 học sinh học các trường nghề.
Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực vào lớp 10 trường THPT công lập còn lớn hơn nhiều. Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập. Mỗi khu vực bao gồm 2-3 địa bàn quận, huyện và được sắp xếp để có đủ đại diện các trường tốp đầu, các trường tốp giữa và các trường tốp cuối. Cách bố trí này để học sinh trượt nguyện vọng 1 có thể có cơ hội nguyện vọng 2 vào các trường tốp dưới. Việc phân hạng trường như thế này cũng chỉ mang tính tương đối, dựa chủ yếu trên điểm chuẩn vào lớp 10 trong khoảng 3-5 năm liên tiếp.
Theo "phân hạng" trên, mỗi khu vực tuyển sinh chỉ có 2-3 trường tốp đầu. 4-5 trường ở tốp giữa, còn lại là các trường tốp dưới, thường có mức điểm chuẩn thấp hơn trường tốp đầu trên dưới 20 điểm. Thực tế nhiều năm qua, nhiều trường tốp dưới tuyển không đủ chỉ tiêu, mặc dù số học sinh trượt các nguyện vọng vào tốp trên, đạt đủ điểm chuẩn vào các trường này còn khá nhiều. Việc này do nhiều học sinh không muốn vào học các trường công lập tốp dưới.
Một số trường công lập của Hà Nội sau khi không tuyển đủ chỉ tiêu thì được "tháo khoán", tuyển sinh bổ sung trên toàn thành phố, nhưng vẫn thiếu nguồn tuyển. Vì thế, con số thực tế những học sinh không vào được trường công lập thường lớn hơn.
Theo quy định của Hà Nội, các trường tư có thể được tuyển sinh bằng xét học bạ THCS, bằng kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố hoặc kết hợp cả hai phương thức. Nhưng các trường tư "thương hiệu" đều đặt ra tiêu chí rất cao ở cả 2 phương thức. Vì thế số lượng học sinh vào học trường tư phân khúc cao cũng không nhiều.
Hà Nội có trên 100 trường ngoài công lập, nhưng số trường có sức hút, cầu cao hơn cung chỉ khoảng 10-15 trường. Nhiều trường tư chỉ tuyển được 70-80% chỉ tiêu. Những trường THPT tư thục ở phân khúc thấp, chỉ có cơ hội tuyển những học sinh có học lực trung bình, khá. Nhưng do mức học phí các trường tư này vẫn ở mức cao, khoảng 2-4 triệu đồng/tháng/học sinh nên khá nhiều phụ huynh cũng không chọn cho con vào các trường này, dù đã "hết cửa" ở những trường công lập và trường tư thục tốp đầu.
"Học hệ giáo dục thường xuyên có ưu điểm là học phí thấp. Chương trình nhẹ hơn, học sinh có thể kết hợp học nghề, rèn các kỹ năng để có thể tham gia lao động luôn. Còn nếu chọn trường THPT tư thục thuộc tốp thấp, chất lượng cũng không hơn nhiều ở trung tâm giáo dục thường xuyên, học phí lại cao nên nhiều phụ huynh chọn cho con học trung tâm giáo dục thường xuyên mặc dù điều kiện kinh tế không quá khó khăn"-cô Tố Quyên, giáo viên dạy ở trung tâm giáo dục thường xuyên quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ.
Học nghề sau THCS là một mục tiêu phân luồng của Chính phủ nhưng hầu hết các địa phương đều khó khăn trong việc triển khai. Tại Hà Nội có khoảng gần 50 cơ sở đào tạo nghề, với trên dưới 200 nghề khác nhau. Trong đó có những nghề có cơ hội việc làm tốt nhưng việc tuyển sinh sau THCS vẫn rất hạn chế.
Theo quy định hiện nay, học sinh học trường nghề sau THCS vẫn được học chương trình văn hóa, bên cạnh chương trình đào tạo nghề. Học sinh tốt nghiệp trường trung cấp nghề được phép dự thi tốt nghiệp THPT như học sinh hệ THPT và được cấp bằng tốt nghiệp như học sinh hệ THPT. Học sinh tốt nghiệp trung cấp cũng có thể học liên thông lên cao đẳng. Nhưng nhiều phụ huynh không thích con đường vòng này. Tâm lý "phải cho con học THPT và vào đại học" ăn sâu khiến nhiều phụ huynh không chủ động chấp nhận lối rẽ khác.
Câu chuyện "ép học sinh có học lực đuối không thi tuyển sinh lớp 10" tại Hà Nội mới đây gây bức xúc dư luận. Dĩ nhiên, cách làm của các nhà trường như phản ánh là không được phép, phản giáo dục. Nhưng ở đây cũng có một thực tế khác khiến giáo viên, các nhà trường ở vào thế "phải tư vấn, vận động".
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Thường cuối tháng 4 hằng năm khi kết quả học tập của học sinh lớp 9 cơ bản đã hoàn thành, các trường phải có nhiệm vụ tư vấn phân luồng. Việc này không chỉ là nhiệm vụ được giao mà còn là trách nhiệm với học sinh. Có những học sinh lực học dưới mức trung bình, mặc dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ vẫn không tiến triển. Chưa kể có học sinh học lực đuối nhưng ý thức học không tốt, không hợp tác với thầy cô. Những trường hợp như thế, việc tư vấn cho phụ huynh tìm một lối đi phù hợp là việc cần thiết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn