Sống trong căn hộ ở tầng 9 khu đô thị Eurowindow River Park (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Kim Thanh không hiểu vì sao mấy ngày này trong nhà mình lại xuất hiện nhiều kiến ba khoang đến vậy. Mỗi tối vợ chồng chị đi tìm diệt đến vài chục con trong nhà.
Chị Thanh cho biết: “Không hiểu sao đợt này kiến ba khoang nó xuất hiện nhiều thế. Kiến bò khắp ở tường, sàn nhà, nhà vệ sinh. Cứ hôm nay bắt thì ngày mai lại tiếp tục xuất hiện thêm, nên tôi thấy rất bất an với loại côn trùng độc này”.
Không chỉ ở những căn hộ tầng thấp mà ngay cả những căn hộ trên tầng cao cũng gặp tình trạng kiến ba khoang bò xâm nhập.
Nhiều khu chung cư cao tầng ở Hà Nội bị kiến ba khoang xâm nhập
Ông Nguyễn Văn Tố, sống ở tầng 33, tòa nhà Park 2, khu đô thị Eurowindow River Park, chia sẻ: “Nhà tôi ở trên tầng 33, mấy ngày nay cũng xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang, không hiểu bằng cách nào mà nó có thể leo lên cao như vậy được”.
Có những người dân mới đến sống ở chung cư, chưa rõ về loài kiến ba khoang, khi bị nhiễm độc từ loài này, thì lại cho rằng mình bị bệnh zona thần kinh. Chỉ đến khi đi khám bác sĩ mới biết vết thương đó là do kiến ba khoang gây ra.
Bà Trần Thị Hảo, sống ở tầng 18, khu đô thị Hà Nội Homeland (Q.Long Biên, Hà Nội), cho biết: “Tôi mới mua nhà chung cư được mấy tháng, cách đây 2 tuần tôi thấy ở cổ và vai gáy xuất hiện nhiều vết đỏ rộp, có mụn nước rất rát và khó chịu. Soi vào gương, tôi cứ nghĩ mình bị zona thần kinh. Lo lắng quá, tôi đến phòng khám ở dưới chân tòa nhà kiểm tra, thì cô bác sĩ mới nói đấy là tôi bị kiến ba khoang đốt, chứ không phải zona thần kinh. Rồi họ kê cho lọ thuốc về bôi khoảng 1 tuần thì khỏi”.
Một số người dân do thiếu hiểu biết về loài côn trùng kiến ba khoang, khi thấy kiến xâm nhập nhà mình, họ đã dùng tay để diệt kiến, khiến cho chất độc từ kiến nhiễm vào da tay, dẫn đến phồng rộp da tay.
Theo tìm hiểu được biết, kiến ba khoang mang trong mình chất độc Pederin, khi bị kiến ba khoang đốt, chất độc Pederin xâm nhập vào cơ thể. Chất Pederin có thể gây rộp, phỏng da, viêm ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Viêm da do bị kiến 3 khoang tiết dịch thường xuất hiện ở các vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.
Trên vùng da bị tổn thương, xuất hiện các vùng dát đỏ, thành vệt, nền hơi cộm. Bên cạnh đó còn xuất hiện các mụn nước hoặc có mủ nhỏ li ti ở giữa. Một số vùng tổn thương thì hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện 12-36 giờ kể từ khi bị kiến ba khoang đốt. Nếu viêm da không được chữa trị sẽ tiến triển sang loét.
Chị Nghiêm Thu Nhạn, ở khu đô thị Hồng Hà Eco, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chia sẻ: "Trước tình trạng kiến ba khoang xuất hiện nhiều và xâm nhập vào căn hộ, nhiều cư dân ở khu chung cư nhà tôi đã liên tục phải sử dụng các biện pháp ngăn chặn. Như việc lắp lưới chắn cửa sổ, dùng thuốc xịt, đến việc đi quét dọn để loại bỏ kiến ba khoang khỏi căn hộ của mình. Bởi với người lớn thì không sao, với những gia đình có con nhỏ thì rất nguy hiểm, có thể bị nhiễm độc từ kiến ba khoang gây phồng rộp, bỏng da khi tiếp xúc phải".
Theo bác sĩ đa khoa Nguyễn Đức Hưng, ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, nếu phát hiện trong nhà có kiến ba khoang, thì người dân cần chú ý những điều sau:
Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người.
Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).
Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.
Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.
Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.
Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.
Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.
Khi bị kiến 3 khoang đốt cần làm những gì?
Ngay sau bị kiến 3 khoang đốt, rửa sạch vùng da bị cắn bằng cồn 70 độ hoặc xà phòng dịu để làm giảm sự khó chịu trên da. Tiếp sau đó là đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn. Không tự ý mua thuốc để bôi hoặc dùng các biện pháp dân gian như đắp lá thuốc khi bị kiến ba khoang cắn. Điều này có thể làm cho vùng tổn thương lan rộng hơn và nhiễm trùng.
Sau khi bị kiến ba khoang đốt, vùng da tổn thương sẽ xuất hiện cảm giác khó chịu và ngứa. Lúc này, người bệnh không gãi hay xoa da. Nếu ngứa quá có thể chườm lạnh để làm giảm các triệu chứng.
Một lưu ý đặc biệt quan trọng khi bị kiến ba khoang đốt hoặc bám trên người là không được đập chúng bằng bất kỳ phương tiện nào. Nếu thấy chúng bò trên da, nên thổi nhẹ cho nó bay đi hoặc dùng tờ giấy để kiến bò vào và vứt đi.
Rửa vùng da tiếp xúc sau khi lấy tay đập hoặc chà xát lên kiến ba khoang. Điều này giúp loại bỏ độc tố của chúng và hạn chế các tác dụng mà nó gây ra.
Một số người bị kiến ba khoang tấn công, nhưng do không hiểu, lại nghĩ mình bị zona thần kinh, chỉ khi đi khám bác sĩ, họ mới biết là bị kiến ba khoang tấn công.
Có nhiều người thì lại không hiểu về tác hại của kiến ba khoang, nên đã dùng tay diệt kiến, dẫn đến bị tổn thương da.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn