Tại buổi mở gói thầu tài chính, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: “Ngày 10/10/2018, Sở GD&ĐT đã đóng gói thầu kĩ thuật. Sau thời gian xem xét, ngày 12/11, đơn vị này tiếp tục mở gói thầu tài chính”.
“Sở đã thực hiện rất nghiêm túc bởi gói thầu này không những liên quan đến ngân sách Nhà nước mà còn liên quan đến người dân và chi phí mà phụ huynh đóng góp cho con em trên từng hộp sữa. Cuối cùng, người sẽ hưởng lợi ở đây là hàng triệu em học sinh”, ông Tiến cho biết thêm.
Cùng có mặt tại buổi mở thầu, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, có 3 đơn vị chính thức đấu thầu là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH và Công ty TNHH Thịnh Anh.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Thịnh Anh vì lí do hồ sơ không đáp ứng yêu cầu năng lực, trách nhiệm nên đã bị loại.
Sau khi hai nhà thầu còn lại đủ năng lực đã kiểm tra thùng niêm phong gói hồ sơ tài chính và xác nhận còn nguyên vẹn, thông tin giá thầu hai bên đã được công bố.
Trong hai nhà thầu còn lại, Vinamilk đã đưa ra giá dự thầu là 3.828.097.216.510 VNĐ (hơn 3.800 tỷ đồng).
Còn Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH đưa giá dự thầu khá cao là 4.141.116.938.000 VNĐ (hơn 4.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, giá trị giảm giá mà phía TH đưa ra lên tới hơn 182 tỷ đồng.
Thế nhưng, dù giảm giá hàng trăm tỷ đồng thì phía TH vẫn đưa ra con số cao hơn Vinamilk là 130 tỷ đồng (130.323.385.990 VNĐ).
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, vì theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, doanh nghiệp đấu thầu thấp hơn chưa chắc đã trúng thầu mà vẫn cần quá trình đánh giá toàn diện các nhà thầu tham gia. Dự kiến cuối tuần sẽ có kết quả chính thức việc bên nào sẽ là đơn vị trúng thầu.
Trước đó, ngày 10/10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kết thúc thời gian mời thầu chương trình Sữa học đường.
Đơn vị này đã bán 11 bộ hồ sơ mời thầu cho 11 doanh nghiệp sữa. Tuy nhiên, tính đến thời điểm mở thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm: Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; Công ty TNHH Thịnh Anh.
Hồ sơ sau khi mở thầu được đánh giá, thẩm định chấm bởi một đơn vị tư vấn độc lập. Gói thầu kỹ thuật được thẩm định, chấm trước. Sau đó chọn các đơn vị đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để mở gói thầu tài chính, đơn vị nào có giá thấp hơn sẽ trúng thầu.
Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1340/QĐ-TTg về Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020; và Công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT; UBND TP. Hà Nội giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban ngành liên quan xây dựng Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Hà Nội đã chủ động vào cuộc để triển khai một Đề án nhằm nâng cao tầm vóc, trí tuệ của học sinh mẫu giáo, tiểu học, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt để tham gia các hoạt động học tập, rèn luyện.
Chương trình được triển khai hoàn toàn tự nguyện nên cần tuyên truyền để các nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu rõ, từ đó tham gia chương trình theo đúng tinh thần của Đề án.