Hà Nội: Nắng nóng khiến số trẻ nhập viện tăng 5-15%
16:46 | 02/07/2018;
Nắng nóng và nhiệt độ các buổi trong ngày chênh lệch cao khiến số trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, sốt... tăng cao. Nguyên nhân là do nhiều bé ở trong phòng điều hòa rồi lại chạy ra ngoài. Khi đó, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa phòng điều hòa và nhiệt độ bên ngoài dẫn đến mắc bệnh.
Ngày 2/7, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Nhi Trung ương), cho biết, trong vài ngày gần đây, số bệnh nhân đến thăm khám đã tăng 10-15%. Theo đó, mỗi ngày BV tiếp nhận gần 3.000 trẻ đến khám. Hầu hết số trẻ đến khám đều mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, tiêu hóa hoặc bị sốt virus.
Tương tự, tại BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), số bệnh nhi đến khám cũng tăng 5-7%. Theo các bác sĩ, trong số các bé nhập viện, có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Còn tại khoa Nhi (BV Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi đến khám, tăng khoảng 5% so với những ngày trước đó.
Theo bác sĩ Vinh, trong những ngày nắng nóng, số trẻ nhập viện có thể tăng cao là do bé ở trong phòng điều hòa rồi lại chạy ra ngoài. Khi đó, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa phòng điều hòa và nhiệt độ bên ngoài dẫn đến mắc bệnh.
Do đó, bác sĩ Vinh khuyến cáo, mọi người, nhất là trẻ em, khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan tổn thương hệ thần kinh trung ương (như: Co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Nắng nóng cũng là một trong những nguyên nhân khiến số ca đột quị gia tăng.
Không chỉ trẻ nhỏ, người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng do nắng nóng. Theo thống kê tại BV Bạch Mai (Hà Nội), mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quị. Bác sĩ Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, đột quị xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể, nhất là những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay. Nguyên nhân do cơ thể mất nước sẽ làm tăng độ kết dính trong máu dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông - nguy cơ gây ra đột quị. Tuy nhiên, khi thấy các triệu chứng của bệnh, nhiều người chủ quan, thường để bệnh nhân ở nhà hoặc dùng các bài thuốc truyền miệng gây nguy hiểm tính mạng.
Để đảm bảo sức khỏe trong những ngày nắng nóng, người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, cần đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính, khẩu trang…; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Không nên đột ngột đi từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời nắng; uống đủ nước nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh để tránh bị viêm họng.