Theo đơn tố cáo của bà Kiều Thị Bích Hồng (SN 1965, trú phường Giang Biên, Q.Long Biên, Hà Nội), bà Hồng có một văn phòng làm việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bấm huyệt từ thiện tại số 67 Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Vào khoảng 15h ngày 19/3/2018, bà đang điều trị cho 2 bệnh nhân là bà Hiền và bà Mùi (75 tuổi, đều trú ở thị trấn Yên Viên) thì bất ngờ có 3 người là bà My, chị Ngọc và anh Sơn (đều trú tại thị trấn Yên Viên) xông vào đòi nợ bà tiền lô đề và vu cho bà lấy trộm điện thoại của họ.
Mặc dù bà Hồng đã giải thích rằng mình không lấy điện thoại của ai và cũng đã gửi tiền trả số nợ 700 nghìn đồng (bà Hồng thừa nhận mình có nợ số tiền trên, nhưng đã gửi bà Chung - chủ nhà nơi bà Hồng thuê mở văn phòng để trả), song chị Ngọc, anh Sơn vẫn xông vào lục soát. Anh Sơn đã đập một chiếc đĩa sứ của bà vỡ làm đôi rồi đâm vào mặt bà, còn bà My, chị Ngọc đánh đập bà túi bụi, làm bà Hồng bị chảy rất nhiều máu và chấn thương nhiều nơi.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ nên bà chỉ kêu lên nhờ mọi người xung quanh cứu. Nhiều người đã xông vào can ngăn nhưng không được.
Cũng theo bà Hồng, anh Sơn đã lục soát văn phòng mà bà nói là tìm điện thoại cho mẹ nhưng không thấy. Sau đó, bà phát hiện mình bị mất số tiền 19.500.000đ - đây là số tiền bà để đầu giường cùng với bộ hồ sơ cho thuê nhà. Tổng số tiền là 26.700.000đ được chia làm 2 ngăn, một ngăn để hơn 6.000.000đ, ngăn còn lại 19.500.000đ. Bà Hồng khẳng định chính anh Sơn đã lấy đi số tiền đó (?).
Thấy bà Hồng bị đánh và mọi người can ngăn không được, một người hàng xóm khác báo cho người cháu của bà Hồng sống gần đó và họ đã đến đưa bà Hồng đến đồn công an trình báo. Cũng ngay hôm đó, bà Hồng đã được cán bộ công an huyện Gia Lâm lấy lời khai ban đầu, chụp ảnh vết thương.
Sau đó, bà Hồng đã được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu rồi hôm sau được chuyển sang Bệnh viện TƯ quân đội 108. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bà Hồng bị chấn thương sọ não, chấn động não, mặt, ngực, bụng…
Từ đó đến nay, bà Hồng đã nhiều lần được công an thị trấn Yên Viên và công an huyện Gia Lâm mời đến làm việc, lấy lời khai. Nhưng điều khó hiểu là đã gần 2 tháng trôi qua, các cơ quan này vẫn chưa cho bà Hồng đi giám định thương tích để xác định mức độ thương tật. Bà Hồng cho rằng, sở dĩ có sự chậm trễ này vì công an đang có dấu hiệu bao che cho nhóm người kia (?).
Ngày 8/5, chúng tôi đã đến liên hệ với công an huyện Gia Lâm Để tìm hiểu thêm thông tin về những phản ánh của bà Hồng. Tuy nhiên, công an huyện này cho rằng vụ việc đang trong quá trình điều tra, xác minh nên không thể trả lời báo chí.
Liên hệ với Viện KSND huyện Gia Lâm, đồng chí Viện phó cho biết, hiện Viện trưởng đi vắng, mà theo quy định của ngành, Viện KSND huyện Gia Lâm phải báo cáo và được sự đồng ý của Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội thì mới trả lời phóng viên.
Trong vụ việc này, cho đến thời điểm hiện tại, chưa thể nói các cơ quan chức năng làm đúng hay sai, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự chậm trễ đáng nghi ngờ.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.