Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục của TP Hà Nội tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước với gần 2,3 triệu học sinh, hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, 2.913 trường học. Vừa qua, Hà Nội đã đưa vào sử dụng một số trường học mới ở tất cả các cấp.
Năm nay, Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) đón học sinh trở lại trường với cơ sở vật chất khang trang hơn nữa sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo. Cô Đinh Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho biết: Sau khi tu sửa, trường có thêm 5 phòng học mới, cùng các phòng chức năng riêng biệt đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Trước đây do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, số phòng học ít, sĩ số các lớp khá đông, các phòng chức năng cũng mang tính "chắp vá". Sau khi được UBND quận Đống Đa đầu tư về cơ sở vật chất, sĩ số mỗi lớp trong năm học này sẽ còn khoảng 40-45 học sinh, trường đã có các phòng chức năng độc lập cho các môn học với đầy đủ trang thiết bị dạy và học giúp nâng cao chất lượng giáo dục", cô Hương thông tin.
Đặc biệt, trong số những trường học mới đưa vào sử dụng, có nhiều trường là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Tại huyện Đông Anh, 4 ngôi trường vừa được thành phố công nhận, gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, gồm: Trường THCS An Dương Vương, Trường THCS Xuân Canh, Trường Mầm non Kim Chung, Trường Mầm non Xuân Canh.
Trước đó, Trường Tiểu học Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) cũng được gắn biển kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tại huyện Thanh Trì, Trường THCS Vạn Phúc được đầu tư xây mới theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường trung học cơ sở trên địa bàn, là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) và Giải phóng huyện Thanh Trì (6/10), 70 năm thành lập ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội.
Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước với gần 3.000 trường mầm non, tiểu học, THCS – THPT và 29 trung tâm giáo dục thường xuyên. Toàn thành phố hiện có gần 2,3 triệu học sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, khó khăn lớn của Hà Nội hiện nay là phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch tại một số địa bàn chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số, bên cạnh đó tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học trong quy hoạch còn chậm. Ở một số quận vẫn có tình trạng sĩ số lớp học cao hơn quy định.
Có thể thấy, "điểm nghẽn" đáng lo ngại nhất là ở chỗ bậc THPT của thành phố hiện mới chỉ có 117 trường công lập, ít hơn các bậc THCS, tiểu học, mầm non. Điều này gây khó khăn, áp lực rất lớn đối với học sinh tốt nghiệp THCS thi tuyển vào lớp 10. Hằng năm, số học sinh tuyển vào lớp 10 THPT công lập mới chỉ đáp ứng được ở mức 60 - 62%. Đặc biệt, khối trường công lập khó khăn dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, ngành đã có tham mưu, đề xuất thành phố dành nguồn lực để xây mới thêm trường THPT công lập đưa vào sử dụng. Cụ thể, năm học tới có 2 trường THPT công lập đi vào hoạt động. Giai đoạn 2025-2030, Thủ đô sẽ có thêm 30-35 trường công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện nay đang trong giai đoạn rà soát lại. Chẳng hạn, quận Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 3 trường THPT công lập; quận Hoàng Mai, Đông Anh… cũng sẽ xây thêm trường.
Đặc biệt, 7 trường liên cấp tiểu học, THCS - THPT tiên tiến hiện đại hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bố trí nguồn vốn để xây dựng. 4/7 đơn vị đã có chủ trương đầu tư và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ thông qua chủ trương này nhằm làm tiền đề cho các đơn vị triển khai thực hiện dự án. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn