Tại Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện kế hoạch 119 của UBND Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, số tiền phạt và hàng hóa vi phạm trên được phát hiện sau khi cơ quan chức năng của thành phố tiến hành gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Việc kiểm tra và xử phạt trên đã góp phần hạn chế vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tuyến xã đa số chưa đáp ứng được các tiêu chí an toàn thực phẩm. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã và một số tuyến huyện đa số vẫn chỉ là nhắc nhở. Đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa có thói quen phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn…
Theo kế hoạch từ năm 2018-2020, Hà Nội sẽ triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm. Hệ thống đã phân ra 3 cấp: Thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo an toàn thực phẩm sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo cho cộng đồng. Đây là biện pháp nhằm siết chặt chất lượng thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, cần có một quy trình từ tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra cảnh báo; phải phân công cụ thể, ai là người chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin ở mỗi cấp. Cơ quan nhà nước giám sát, hậu kiểm như thế nào để kiểm tra lại thông tin đã tiếp nhận có đúng hay không, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin để từ đó đưa ra cảnh báo đến người dân.