Bước vào "cuộc đua" giữ một suất lớp 10 năm học 2024-2025 cho con, chị Phạm Mai Hương, một phụ huynh học sinh trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chia sẻ, gia đình chị đã tìm hiểu thông tin tuyển sinh của nhiều trường tư thục để chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội mua hồ sơ và đăng ký xét tuyển cho con, đề phòng trường hợp con không đỗ được vào lớp 10 trường công lập.
"Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn khẳng định đủ chỗ cho 100% học sinh lớp 9 lên lớp 10 nhưng suất này không được chia đều. Ai cũng biết, vào những trường uy tín, gần nhà với học sinh nội thành là rất khó khi chưa tới 60% học sinh lớp 9 được vào trường công lập. Số còn lại sẽ phải tìm chỗ trong các trường tư hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên… Để giảm áp lực cho con và bản thân, tôi đã đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển vào trường THCS&THPT Lương Thế Vinh và trường liên cấp Newton. Để giữ chỗ, gia đình tôi sẽ phải đóng 15 triệu đồng vào trường Lương Thế Vinh, 12 triệu đồng nếu vào trường Newton. Nếu con đỗ vào trường công lập, số tiền này đương nhiên sẽ không được hoàn trả. Đây là số tiền không nhỏ nhưng để có chỗ trong trường chất lượng thì chúng tôi đành chấp nhận".
Khoản tiền ghi danh, giữ chỗ vào trường tư ở Hà Nội năm nay tiếp tục gây tranh cãi khi trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) có phí nhập học lên tới 23 triệu đồng, gần bằng 3 tháng học phí của trường này. Khoản phí này không được hoàn trả và không chuyển nhượng dưới mọi hình thức. Theo thông báo của trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, phí nhập học với học sinh vào lớp 10 là 15 triệu đồng. Phụ huynh chỉ nộp phí nhập học một lần trong một cấp học và khoản này không được chuyển nhượng, hoàn trả trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, phí nhập học sẽ được nhà trường đối trừ với các khoản thu trong năm học.
Theo ông Đặng Quốc Thống, Chủ tịch HĐQT trường THCS&THPT Đoàn Thị Điểm, mỗi năm, trường tuyển khoảng 600 học sinh vào lớp 10, nhận tổng gần 4.000 hồ sơ đăng ký. Việc đưa ra số tiền cọc là để hạn chế tỷ lệ ảo, đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đây cũng là lý do các trường tư thục khác đặt ra phí đặt cọc. Tuy nhiên, mức phí này đang có xu hướng được đẩy cao hơn.
Thực tế, có phụ huynh bỏ tiền để đặt cọc cho con vào 2-3 trường tư thục, với tổng chi phí đến 50 - 60 triệu đồng nhưng sau đó có thể "bỏ cọc" vì con đỗ nguyện vọng cao hơn hoặc nhận thấy các khoản phải đóng góp trong 3 năm học không phù hợp với khả năng chi trả của gia đình. Bên cạnh đó, mức phí giữ chỗ vào lớp 10 cao như vậy khiến nhiều phụ huynh Hà Nội tỏ ra lo lắng khi chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế mới có thể "chắc chân" một suất học lớp 10. Số tiền lớn đã chi ra sẽ không được hoàn trả nếu con đã đỗ nguyện vọng vào trường công lập hoặc có lựa chọn khác. Trong khi đó, các gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế đành chờ đến khi có người bỏ suất thì mới còn chỉ tiêu cho con mình.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng, có thực tế trường tư muốn ổn định tuyển sinh, hạn chế thí sinh ảo nên đưa ra phí đặt cọc. Phụ huynh cần chia sẻ cho trường nhưng ngược lại, nhà trường cũng cần thông cảm với phụ huynh, nên có mức thu phù hợp với tình hình kinh tế nói chung. Hiện nhiều nhà trường đang chỉ biết quyền lợi của mình mà làm khó phụ huynh khi đưa mức phí đặt cọc quá cao.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiện khoản phí này chưa có trong quy định, mà là do thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Ngành giáo dục nên đưa ra mức phí tối đa các trường được phép thu, tránh trường hợp thu quá cao, gây thiệt thòi về phía phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tránh tâm lý lo lắng thái quá, dẫn đến việc đặt cọc tràn lan vào nhiều trường, gây lãng phí. Khi có ý định cho con học trường nào, phụ huynh hãy dành nhiều thời gian tìm hiểu các điều kiện của trường như xe buýt đưa đón, chất lượng giáo viên, tầm nhìn, sứ mệnh, cơ sở vật chất, loại hình lớp… Nếu thấy phù hợp với con thì mới đặt cọc, hạn chế việc bỏ tiền mua cơ hội nhưng không dùng đến.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn