Từ đầu năm đến nay, Hà Nội trải qua 2 đợt mưa lớn gây ngập cục bộ tại nhiều nơi, trong đó nặng nề nhất là khu chung cư Ecohome (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Trong cơn mưa xối xả vào tối 11 đến sáng ngày 12/8 vừa qua, tại các con đường dẫn vào tòa Ecohome 1 và 3, khu chung cư Ecohome, nước đã ngập gần 1m, rất nhiều ô tô của cư dân đỗ trên đường nội khu chìm trong biển nước. Tại trường tiểu học Đông Ngạc, nước sâu khoảng 70cm, học sinh được nhà trường cho nghỉ ở nhà.
Sáng ngày 13/8, nước rút, PV báo PNVN có mặt tại chung cư Ecohome 1, con đường dẫn vào tòa nhà phủ một lớp bùn đất nhão nhoẹt. Phía trường tiểu học Đông Ngạc, từng tốp nữ công nhân vẫn đang xúc bùn, cọ rửa sân để đón học sinh trở lại. Phía sau tòa chung cư, xe cứu hộ chạy hết công suất để "giải cứu" nhiều xe hơi đưa về gara do bị ngập nước từ đêm hôm trước. Anh Nguyễn Văn Tiến buồn bã: "Vợ chồng tôi đi công tác không về kịp nên ô tô để trên vỉa hè đã bị ngập nước. Sáng nay về đến Hà Nội, nước rút nhưng quá muộn. Mấy lần trước kịp thời "chạy" được nhưng lần này tôi đã không may mắn như vậy".
Chung cư Ecohome 1 được khởi công từ ngày 9/10/2013 với quy mô gần 2 ha, gồm 4 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng với 930 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng gần 84.000 m2. Kể từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2014, chung cư này đã có không ít "điều tiếng" như chất lượng xây dựng không tốt, có thời điểm nước sạch có màu như chè đỗ đen... dù nơi đây được vinh danh "Dự án nhà ở xã hội tốt nhất" năm 2018.
Nhiều tồn tại đã được khắc phục nhưng tình trạng "chưa mưa đã ngập" nhiều năm nay nên cư dân Ecohome 1 liên tục phản ánh, báo chí nhiều lần đưa tin nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Được biết, tình trạng ngập nặng mới xảy ra khoảng 2-3 năm trở lại đây.
"Mưa to ngập sâu, mưa nhỏ cũng bì bõm. Kể từ khi trường tiểu học Đông Ngạc được xây dựng và bên cạnh là một dự án khác đã được san ủi mặt bằng, tập kết máy móc chuẩn bị xây dựng khiến chung cư Ecohome 1 liên tục bị ngập. Tôi đoán cống thoát nước đã bị bịt lại nên mới dẫn đến tình trạng mưa to nước không kịp thoát", một cư dân ở Ecohome 1 xin không nêu tên chia sẻ.
Vì tuyến đường vào chung cư thường xuyên bị ngập nên người dân luôn sống trong nỗi lo sợ mỗi khi trời mưa to. "Ở chung cư vẫn chạy lụt đó là thực tế chúng tôi đang phải trải qua. Có hôm nửa đêm mưa to, những gia đình có ô tô phải dậy để di chuyển tài sản đi nơi khác. Không biết đến bao giờ tình trạng này mới được giải quyết", anh Tiến rầu rĩ.
Theo nhiều chuyên gia về kiến trúc, thực trạng Hà Nội cứ mưa là ngập, là hệ quả của quá trình đô thị hóa không đồng bộ. Mặt đất ngày càng bị bê tông hóa trong khi ao hồ bị san lấp. Khi nước bề mặt không còn chỗ để thẩm thấu bởi hồ lưu trữ được ví như túi đựng nước không còn thì khó tránh khỏi việc cứ mưa là ngập.
Ngoài ra, nhiều người cũng đặt câu hỏi vì sao sông Tô Lịch - nơi để thoát nước của Thành phố- không hề dâng cao trong mỗi đợt mưa nhưng những khu vực xung quanh lại ngập trong nước? Phải chăng hệ thống thoát nước của thành phố đã lỗi thời, không đáp ứng được trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008 và theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Về lý thuyết, khu đô thị vệ tinh sẽ đảm bảo việc giãn dân cư ra khỏi khu vực nội đô. Các đô thị vệ tinh chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 25-30km nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội không phát triển đồng bộ đã khiến các đô thị vệ tinh đến thời điểm này không phát huy được hiệu quả.
Trong nhiều năm qua, dù khu vực nội đô đã quá tải nhưng các tòa nhà cao tầng vẫn thi nhau mọc lên, hàng loạt khu đô thị mới được hình thành như: Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, khu đô thị Linh Đàm, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, khu đô thị Đại Thanh, khu đô thị Dương Nội, khu đô thị An Khánh, khu đô thị Tây Hồ Tây, khu đô thị Mộ Lao, khu đô thị Mỹ Đình. Khủng khiếp nhất là hàng loạt tòa chung cư mọc lên tại khu vực đường Lê Văn Lương, Lê Văn Thiêm, Vũ Trọng Phụng... Hàng vạn dân được "gom" vào nội đô khiến hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông trở thành gánh nặng.
Hiện tại, với 127 chung cư trên địa bàn, chúng tôi chỉ mới tiếp cận và thành lập chi hội phụ nữ tại 9 chung cư cao tầng với 39 tổ phụ nữ với số hội viên là 1.200 hội viên. Có 63 chung cư cao tầng có tổ phụ nữ sinh hoạt tại các chi hội phụ nữ khu dân cư. Đây là con số rất khiêm tốn hay còn gọi đây là nguồn tài nguyên chưa được khai thác, nhưng để khai thác được quả thật là một bài toán khó”.
Bà Trịnh Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Đường Lê Văn Lương được thiết kế có chiều dài 2,67km, bao gồm 6 làn xe cơ giới cho hai chiều đường, có hệ thống cầu vượt chống ùn tắc. Tuy nhiên, thiết kế trên chỉ phù hợp cho giao thông thời điểm năm 2010 - 2015. Hiện nay, tuyến đường này có tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến, độ cao trung bình từ 20 đến 30 tầng. Việc chung cư cao tầng ken đặc khiến tuyến đường quá tải, kể cả giờ thấp điểm ở đây cũng thường xảy ra ùn tắc.
Cùng chung cảnh ngộ là tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), dù chỉ dài khoảng 1km và rộng khoảng 6m nhưng hằng ngày tuyến đường này đang phải oằn mình gánh tải cho hàng chục tòa chung cư cao tầng. Đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng cũng dày đặc cao ốc và tình trạng giao thông cũng đang rất "khủng khiếp".
Bà Trịnh Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân: Vài năm gần đây, tỷ lệ các khu chung cư được hình thành trên địa bàn quận Thanh Xuân tương đối lớn. Tại thời điểm này, quận có 127 tòa nhà chung cư (bao gồm chung cư thương mại, chung cư tái định cư, chung cư cũ - tập thể cũ). Với những địa bàn có đông chung cư thì một trong những khó khăn mà công tác Hội phụ nữ gặp phải chính là việc thu hút, tập hợp phát triển hội viên, đặc biệt là ở những chung cư cao cấp. Tại những chung cư cao cấp, việc tiếp cận với cư dân khá khó khăn vì quy trình để lên các tòa nhà rất chặt chẽ (phải có thẻ hoặc được chủ nhà đồng ý qua camera...).
Chung cư cao cấp thường có mặt bằng dân trí cao, hầu hết là các đôi vợ chồng trẻ, có điều kiện kinh tế. Họ có thể rất thích tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi, dã ngoại, CLB khiêu vũ... Nhưng để triển khai công tác tuyên truyền vận động của tổ chức Hội là rất khó khăn. Với những cư dân này, kinh tế của họ dư dả nhưng họ không muốn tham gia các hoạt động của tổ chức Hội vì không muốn ràng buộc.
Trước thực trạng này, bà Trịnh Thị Hồng Thủy đề xuất một số giải pháp để tập hợp, phát triển hội viên phụ nữ tại khu chung cư như: Tham mưu cho cấp ủy chính quyền thành lập hệ thống chính trị tại các khu chung cư cao cấp; tiếp tục rà soát, phân loại rõ hội viên do tổ chức Hội quản lý và hội viên tập hợp thu hút để từng bước tiếp cận, vận động tuyên truyền vai trò của tổ chức Hội phụ nữ; các chi, tổ chủ động lựa chọn hình thức sinh hoạt phù hợp với từng đối tượng.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa mô hình tập hợp đồng thời với việc nâng cao chất lượng mô hình, nếu không sẽ nhàm chán, sức hút với hội viên sẽ giảm. Cuối cùng, năng lực và cái tâm, cái tầm của cán bộ Hội là yếu tố quyết định thành công của một mô hình hay phong trào...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn