Thời gian vừa qua, tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, có hàng trăm người nhập viện do sốt xuất huyết. Đáng chú ý, riêng tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, có đến 229 ca mắc sốt xuất huyết, trong khi đó số ca mắc của toàn huyện Thanh Trì là 467 ca (số liệu tính đến hết ngày 28/8/2023).
Theo ghi nhận của PV Báo PNVN tại thôn Vĩnh Ninh - "điểm nóng" của dịch sốt xuất huyết, hệ thống mương nước quanh thôn đều bị ô nhiễm, bốc mùi khó chịu. Các biển cấm vứt rác được cắm tại nhiều nơi, song người dân vẫn không chấp hành theo.
Một người phụ nữ tên P. ở thôn Vĩnh Ninh cho biết, xung quanh gia đình bà có nhiều người mắc sốt xuất huyết. Thậm chí có trường hợp cả nhà bị. Gia đình bà chỉ có hai vợ chồng cao tuổi, các con cháu đều làm ở nội thành Hà Nội. Tuy cách nhà không xa nhưng bà khuyên con cháu đừng về.
"Trước khi xã cử cán bộ đến phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết, gia đình tôi cũng đã chủ động bỏ tiền mua thuốc về phun khắp xung quanh trong phòng, nhà, các bể nước. Ở thôn này cũng có mấy trường hợp tử vong do sốt xuất huyết rồi", bà P. nói.
Anh H. cho biết, gia đình anh có 4 người thì 3 người mắc sốt xuất huyết. Trong đó có anh và 2 con trai bị. "Bị sốt xuất huyết còn mệt mỏi hơn cả mắc Covid-19, mấy ngày nằm viện cơ thể đau nhức. Mình người lớn còn thấy khó chịu, chỉ thương 2 đứa nhỏ, mấy ngày đi viện các cháu khó chịu nên khóc suốt ngày…", anh H. kể.
Mong chính quyền có phương án xử lý gấp
Cũng theo anh H., ở thôn Vĩnh Ninh đang còn nhiều ổ dịch. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chưa ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Người dân thường xuyên vứt rác xuống các ao, hồ, mương… tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm.
"Trước đây kênh, mương vây quanh thôn rất sạch sẽ, những ngày hè có thể tắm được nhưng giờ đây chỉ toàn là nước thải. Ở đây là vùng trũng của huyện Thanh Trì, đến vụ mùa, nước từ sông Tô Lịch, sông Nhuệ kèm chất bẩn cũng chảy về. Giờ đi quanh thôn nhìn cảnh tượng đâu đâu cũng nước thải mà ngao ngán. Nhiều khi tôi không dám mời bạn bè về quê nhà chơi", anh H. nói.
Một số người dân cho biết, do môi trường ô nhiễm nên vào mùa mưa nồm ẩm, muỗi sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Có lúc người dân phải mắc màn ăn cơm vì sợ bị muỗi đốt dẫn đến sốt xuất huyết.
"Ở ngay Thủ đô Hà Nội mà nước thải bao vây cả làng, có lúc phải mắc màn ăn cơm, thật sự rất chán nản. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền có phương án xử lý tình trạng này thật nhanh chóng để người dân ổn định cuộc sống", anh H. bày tỏ.
Trước những phản ánh của người dân, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Vĩnh Quỳnh nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hà Nội kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp chống dịch
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý. Không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng… để quyết liệt ngăn không cho dịch bùng phát mạnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đánh giá, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy (BI) từ 20 trở lên. Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch trong những ngày qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, như tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì có BI=35.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn