Ba Vì là một huyện vùng cao của Hà Nội có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới, các cơ quan, đoàn thể của huyện đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả.
Năm 2024, thôn 8, xã Ba Trại đã ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng đầu tiên, gồm 10 thành viên.
Tổ truyền thông cộng đồng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, cũng như những tập tục lạc hậu, một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Từ đó, mô hình nhằm góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham gia Tổ truyền thông cộng đồng, các thành viên đã được trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Bà Bùi Thị Lưu, thành viên tổ truyền thông cộng đồng xã Ba Trại, chia sẻ, tại địa phương vẫn còn tồn tại những tập tục, hủ tục trọng nam khinh nữ khiến tất cả việc nhà đều phó mặc cho người phụ nữ, nên người phụ nữ rất vất vả. "Tham gia tổ truyền thông, chúng tôi đã có kế hoạch hàng tháng, hàng quý và trong các buổi họp chi bộ thôn tuyên truyền đến các gia đình, tuyên truyền lồng ghép vào trong các sự kiện để thay đổi định kiến giới. Nhờ vậy, quan niệm trọng nam khinh nữ đã và đang được cải thiện, đẩu lùi, khiến chúng tôi rất vui ", bà Lưu nói.
Những năm qua, bình đẳng giới là một trong những việc được TP Hà Nội tập trung thúc đẩy, tiêu biểu phải kể đến là dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội - cho biết, Dự án 8 được thiết kế với 8 chỉ tiêu cơ bản và 4 nội dung trọng tâm để đảm bảo sự thúc đẩy bình đẳng giới tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ những định kiến về giới, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề bức thiết cho phụ nữ và trẻ em; tiếp đó là nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ".
Theo thống kê của Ban Dân tộc TP Hà Nội, Hà Nội hiện có khoảng hơn 107.800 người dân tộc thiểu số, thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 1,3% dân số của Hà Nội. Trong đó, đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Với đặc thù đó, Thủ đô Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc qua các giai đoạn.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, cho biết, trong thời gian qua, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc ở địa bàn Thủ đô Hà Nội rất được quan tâm và chú trọng. Gần đây nhất, thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề kế hoạch đầu tư công. Đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở các hạ tầng đã được đầu tư, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô đã có những thay đổi hết sức tích cực, kể cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn