Từ 27/7, Hà Nội bắt đầu tiến hành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân với cả 3 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Đây được cho là đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử của thành phố.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã phân bổ 60.480 liều vaccine phòng Covid-19 Spikevax (Covid-19 vaccine Moderna) và 563.500 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã và CDC Hà Nội. Ngoài ra, phân bổ 2.340 liều vaccine phòng Covid-19 BNT162b2 (Comirnaty) của Pfizer cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình và CDC Hà Nội.
Theo đó, vaccine Pfizer có thể sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần hoặc có thể tiêm mũi 1 cho những người chưa được tiêm. Vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C và phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.
Vaccine AstraZeneca thực hiện tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca, bảo đảm khoảng cách ít nhất 8 tuần. Trong một số trường hợp đặc biệt, cần hoàn thành đủ 2 mũi vaccine sớm, có thể thực hiện tiêm trả mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.
Riêng vaccine Moderna thực hiện tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm. Vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C và phải sử dụng hết trong vòng 30 ngày.
Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, các đơn vị triển khai tiêm hết loại vaccine Moderna và Pfizer (nếu được phân bổ) xong mới chuyển sang tiêm vaccine Astra Zeneca, bảo đảm sử dụng vaccine hiệu quả, hợp lý, tránh hao phí và sử dụng hết trước hạn sử dụng. Tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm chủng.
Được biết, hiện tại, Việt Nam đang sử dụng các loại vaccine phòng Covid-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các vaccine này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng vaccine AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chỉ định tiêm cho người 18 - 65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trọng trong tiêm chủng).
Thông tin về chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lần này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho báo chí biết, bất kể ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng. Mọi người có thể đăng ký tiêm vaccine Covid-19 bằng 2 cách: đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn; đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Ngành y tế sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký của người dân, sau đó sàng lọc từng đối tượng và sắp xếp lịch tiêm, địa điểm tiêm.
Mục tiêu 70% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine
Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Hà Nội sẽ kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022), với mục tiêu 70% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine, bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người.
Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vaccine bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vaccine của Bộ Y tế.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong trường hợp nguồn vaccine chưa đủ sẽ phân bổ theo thứ tự ưu tiên: cho khu vực có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, cửa ngõ giao thông. Khi đủ vaccine sẽ triển khai đồng loạt khắp thành phố.
Theo kế hoạch, các đối tượng tiêm vaccine Covid-19 được chia thành 13 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.
13 nhóm theo thứ tự ưu tiên tiêm phòng vaccine tại Hà Nội
(1) Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); lực lượng quân đội; lực lượng công an.
(2) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
(3) Cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch, các đơn vị hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
(4) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, cơ sở chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế, người dân ở vùng/khu du lịch...
(5) Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
(6) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
(7) Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp.
(8) Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
(9) Người sinh sống ở các khu vực có dịch.
(10) Các chức sắc, chức việc tôn giáo.
(11) Các đối tượng là lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc với nhiều người tại những nơi tập trung đông người…
(12) Người làm việc trong các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân.
(13) Người dân không nằm trong các nhóm đối tượng nêu trên nhưng có thể ưu tiên theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch tại từng thời điểm cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn