Hà Nội tiếp tục cho du khách mặc "thiếu vải" mượn áo choàng ở di tích

17:00 | 27/04/2017;
Hàng loạt di tích tại Hà Nội đã triển khai cho mượn áo choàng vào khu thăm quan đối với du khách mặc "thiếu vải". Các nhà quản lý cho biết, đây là giải pháp thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng do Hà Nội ban hành và vẫn trong quá trình thử nghiệm.
cho-muon-ao-choang-vao-di-tich-2.JPG
 Du khách quốc tế thích thú với áo choàng cho mượn để vào khu di tích. Ảnh: NK

Ngoài di tích đền Ngọc Sơn, một số di tích khác như đền Bà Kiệu cạnh tượng đài Cảm tử, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, di tích Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến ở Vạn Phúc, Nhà tù Hỏa Lò cũng áp dụng hình thức cho khách mượn áo choàng may sẵn.

Số trang phục này do Ban Quản lý (BQL) Di tích và Danh thắng Hà Nội chủ trì từ khâu lấy ý kiến, thảo luận và đưa ra mẫu trang phục cuối cùng. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội, cho biết, kinh phí này trích từ vé tham quan của du khách. Trong số các di tích này, đền Ngọc Sơn được xem là nơi đông du khách trong nước và quốc tế nên BQL chuẩn bị 100 bộ trang phục cả nam và nữ.

Tại đền Ngọc Sơn, chúng tôi ghi nhận BQL di tích bố trí người nhắc nhở du khách ngay cạnh khu vực mua vé ở cổng vào. Ông Nguyễn Đăng Sơn (nhân viên BQL Di tích) là một trong số những người trực tại quầy cho mượn trang phục, cho biết, mỗi ngày BQL cho khoảng 300 lượt du khách mượn áo choàng vào thăm quan đền Ngọc Sơn. Du khách nào mặc váy quá ngắn, áo hở cổ, hở vai quá nhiều hay quần cộc đều phải mượn áo choàng mới được vào đền. “Các du khách khá hợp tác, họ vui vẻ chấp hành quy định”, ông Sơn nói.

cho-muon-ao-choang-vao-di-tich-3.JPG
 Du khách nam mượn áo choàng

Khảo sát một vòng đền Ngọc Sơn, chúng tôi thấy bên cạnh du khách ăn mặc bình thường, có những du khách phải khoác thêm chiếc áo choàng màu hồng nhạt dành cho nữ, áo choàng kẻ ô nhỏ dành cho nam. Hỏi một nhóm bạn trẻ vào thăm di tích, trong đó có 2 bạn nữ phải mượn áo choàng, bạn Bùi Lan Nhi (quê Nam Định) nói: “Chúng tôi rủ nhau dạo phố nên chọn trang phục khá thoải mái, tuy nhiên khi cả nhóm muốn vào đền Ngọc Sơn thì chúng tôi được yêu cầu mượn áo choàng. Chiếc áo cũng khá thuận tiện, không gây cảm giác khó chịu, chỉ có điều tôi không cao lắm nên trông hơi buồn cười”.

Chị Vanessa, du khách Mỹ, cười bảo hoàn toàn thoải mái với chiếc áo này. “Tôi hiểu rằng đây là cách để tôn trọng truyền thống của các bạn, tôi không ngạc nhiên gì bởi ở nhiều nơi cũng có những quy định như vậy”, Vanessa chia sẻ.

cho-muon-ao-choang-vao-di-tich-1.JPG
 Du khách ngoại quốc trên cầu Thê Húc

Không riêng Hà Nội, trước đó một số ngôi chùa như Linh Ứng (Đà Nẵng) và Bảo Hà (Lào Cai) cũng phát áo choàng, khăn choàng cho khách vào lễ chùa nếu mặc quá thoáng.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội, nhìn nhận: “Áo choàng giải quyết được cả hở trên và hở dưới, chúng tôi chưa nghĩ tới phương án cho mượn khăn. Hơn nữa cho mượn áo cũng dễ quản lý hơn”.

Cũng theo bà Hòa, hình thức này hiện nay vẫn trong quá trình thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau một thời gian triển khai sẽ lấy ý kiến thêm và điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn mẫu hoa thêu trên trang phục hiện nay là mẫu tạm thời trước khi chọn được mẫu hoa đào dây chính thức.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn