Bà Nguyễn Thị Hường (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), cho biết, sáng nào bà cũng đi xe máy, vận chuyển rau, củ quả vào nội đô để bán. Mấy ngày gần đây, nghe tin Hà Nội sẽ cấm xe máy di chuyển vào nội đô sau năm 2025 khiến bà trằn trọc, nhiều đêm mất ngủ.
"Nếu mà cấm xe máy vào nội đô thật thì gia đình tôi biết đi làm gì để sống. Tôi hằng ngày dùng xe máy chở rau đi bán. Con trai tôi hằng ngày đi làm bằng xe máy ở quận Đống Đa, lương được có 4 triệu, chỉ đủ tiền ăn cơm trưa với đổ xăng. Cháu không dám ở trọ, cứ sáng đi tối về. Cấm xe máy vào nội đô thì đồng nghĩa với việc phải thuê nhà. Nếu thế thì chắc cũng không trụ được. Chiếc xe máy là phương tiện vận chuyển quan trọng, nếu cấm thì coi như gia đình tôi hết cửa mưu sinh", bà Hường chia sẻ.
Bà Hường cho biết, mỗi ngày, công việc vận chuyển nông sản vào nội đô cũng cho thu nhập từ 300.000đ - 400.000đ. Tuy nhiên số tiền này cũng chỉ đủ để gia đình ăn uống, sinh hoạt.
Làm bảo vệ tại một chung cư tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Năm (trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội), cho biết, hằng ngày ông đều từ nhà tới chỗ làm bằng xe máy. Ông Năm cho rằng, việc đi lại bằng xe máy cơ động và tiện lợi hơn rất nhiều so với đi xe buýt, chưa kể những hôm làm ca muộn, khi về thì xe buýt đã dừng hoạt động, nếu cấm xe máy thì sẽ không có phương tiện để đi về nhà.
"Nhà tôi ở huyện Thường Tín, đi tới chỗ làm hơn 20km. Nếu đi xe buýt, tôi phải bắt 3 tuyến, đợi chờ rất mất thời gian. Lâu nay, tôi đi làm bằng xe máy rất tiện. Với tôi xe máy là phương tiện di chuyển duy nhất, bây giờ nếu cấm xe máy thì tôi đi lại bằng cái gì?", ông Năm nói và cho biết, việc TP Hà Nội cấm xe máy vào năm 2025 sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dân, đặc biệt là những người ở ngoại thành, hằng ngày phải vào nội đô làm việc.
Với nhiều người, chiếc xe máy là "cần câu cơm", giúp gia đình có thêm thu nhập hàng ngày. Nếu Hà Nội cấm xe máy trong nội đô, nỗi lo mưu sinh sẽ trở nên nặng gánh hơn đối với những người như gia đình bà Hường, ông Năm.
Trao đổi với PV Báo PNVN, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, việc cấm xe máy vào nội đô là vấn đề đã được bàn đi bàn lại nhiều năm nay. Để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận, mấu chốt cơ bản là phải có hạ tầng, phải phát triển được giao thông công cộng để phục vụ nhân dân. Ông Thủy cho rằng, hiện nay các phương tiện vận tải công cộng tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Thậm chí do ảnh hưởng của dịch Covid-19, suốt một thời gian dài xe buýt phải "đắp chiếu", khi hoạt động lại cũng chỉ được 50% công suất. Đặc biệt, loại hình buýt nhanh - BRT, với một làn đường riêng cũng ì ạch sau vài năm đưa vào vận hành. Trong khi đó, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội sau nhiều lần đốc thúc, mới chỉ có tuyến Cát Linh-Hà Đông được bàn giao và đưa vào hoạt động.
"Vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân ở mức rất thấp. Do đó, phương tiện đi chính vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giao thông cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy. Chỉ khi nào phương tiện công cộng đạt được con số 40% nhu cầu đi lại thì mới có thể cấm được xe máy. Trong trường hợp cấm xe máy vào nội đô, khả năng người dân sẽ đổ xô đi mua ô tô, lúc đó nguy cơ ùn tắc giao thông có thể tăng gấp 3 - 4 lần so với hiện nay", ông Thủy nhận định.
Theo ông Thủy, khi người dân không có xe máy để đi, việc họ cố gắng mua ô tô để đi lại, làm ăn là điều dễ hiểu. Một chiếc ô tô sẽ tốn diện tích gấp 5-7 lần chiếc xe máy, nhưng có khi cả chiếc ô tô chỉ có 1 người ngồi, lúc đó ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn. "Nếu một nửa xe máy ở Hà Nội này chuyển sang ô tô thì ùn tắc là kinh hoàng. Vấn đề cần làm trước của Hà Nội là phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ sức hút, để người dân tự động bỏ xe máy thay vì cấm bằng biện pháp hành chính", ông Thủy nói.
Trước đó, UBND TP Hà Nội gửi tới HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận. Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND TP thông qua năm 2017. Theo chính quyền thành phố, sau khi Nghị quyết này được thông qua, các cơ quan chức năng đã xây dựng đề án về hoạt động của xe máy trên địa bàn thành phố, với định hướng nghiên cứu sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5.
Dự kiến sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, và bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Năm huyện lên quận giai đoạn 2021-2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án; đồng nghĩa các đơn vị hành chính này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình. Như vậy, việc dừng xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với Nghị quyết 04 (mốc thời gian cấm xe máy tại các quận được xác định vào năm 2030).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn