Hiện nay, các tỉnh/thành trong cả nước đang triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng cho nhiều đối tượng, trong đó có người cao tuổi. Phần lớn người dân đều rất vui mừng, bởi bản thân đã được tiêm chủng để đảm bảo sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều người cao tuổi phàn nàn về việc phải "chờ" quá lâu, nhất là trong tiết trời nắng nóng. Thậm chí, có người từ lúc bắt đầu đến chờ tiêm cho đến khi về nhà phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Cũng vì thế, có người sau khi về nhà mệt mỏi không phải vì vaccine mà mệt bởi "chờ đợi".
Bà C.T. (SN 1956, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bà đã tiêm được vài hôm. Tuy nhiên, đến giờ nghĩ lại vẫn còn "hãi" vì phải chờ đợi lâu quá. Bà T. kể, khi nhận được thông báo đi tiêm vaccine, bà đến đúng giờ theo như lịch hẹn. Tuy nhiên, hẹn từ 8h30 mà tới 10h bà mới được tiêm vì đông quá và gần 11h mới được về đến nhà. "Tôi phải chờ đợi rất lâu, vừa đúng hôm đó trời nắng nóng nên thấy mệt mỏi hơn trước khi tiêm", bà T. chia sẻ.
Bà T. cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì việc tổ chức tiêm chủng cho toàn dân là sự cố gắng rất lớn của chính quyền. Tuy nhiên, bà mong sao các điểm tiêm cần thay đổi cách thức hay có hướng gì đó hỗ trợ để những người sau sẽ bớt vất vả hơn. Ví như, có bàn tiêm riêng cho người cao tuổi hoặc mỗi buổi nên tiêm riêng cho người cao tuổi. "Người trẻ chờ lâu còn được, chứ chúng tôi bệnh người già, xương khớp ngồi lâu rất mỏi. Chẳng may đi tiêm đúng hôm nắng nóng nữa thì dù khỏe mấy cũng thành ốm", bà T. nói.
Theo tìm hiểu của PV Báo PNVN, để tiêm vaccine ngừa Covid-19, người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng sau khi đăng ký sẽ nhận được thông báo ngày giờ tiêm. Khi đến điểm tiêm, người dân sẽ xếp hàng để kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay. Sau khi thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thông tin cá nhân tại vòng ngoài, người dân sẽ được bố trí ngồi chờ giãn cách.
Tại khu vực khám sàng lọc trước tiêm, người dân sẽ được cán bộ y tế thông báo cụ thể những trường hợp hoãn tiêm chủng, như người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan, người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu… Sau khi làm xong các thủ tục trên, người dân chờ được gọi đến lượt. Sau tiêm, người tiêm ngồi lại từ 30 phút đến 1 tiếng (tùy điểm tiêm) để theo dõi. Nếu sau thời gian trên, người tiêm không có phản ứng (sốt, phản vệ) thì sẽ ra về. Như vậy, với những điểm tiêm đông người thì việc người dân phải mất 3-4 tiếng mới tiêm xong và về nhà là có cơ sở.
Về vấn đề trên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), cho biết, theo quy định hiện nay, sau khi nhận vaccine ngừa Covid-19 từ Bộ Y tế, thành phố sẽ phân bổ về các quận, huyện. Tại đây, Ban chỉ đạo tiêm chủng các quận, huyện sẽ chuyển về các điểm tiêm (trạm y tế xã, phường). Điều đó có nghĩa công tác tổ chức tiêm chủng sẽ do Ban chỉ đạo của quận, huyện chịu trách nhiệm, còn thành phố và Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát.
Ông Tuấn cũng cho biết, với đối tượng người cao tuổi, thành phố chỉ đạo không tiêm ngay từ đầu mà cần để có thời gian rồi rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, các địa phương cho biết cũng bị nhiều áp lực, Ví như, dân bảo có vaccine tại sao không tiêm ngay cho người cao tuổi? Hơn nữa, bà con cũng sốt sắng quá bảo phải tiêm ngay. Trong khi đó, công tác tiêm lại phụ thuộc vào quận huyện và xã phường, thậm chí thành phố nói một đằng thì dưới họ triển khai khác. "Tiêm ngay thì phải theo khu vực, cả người già và trẻ phải tiêm cùng địa điểm, dẫn đến đông đúc tại các điểm tiêm", ông Tuấn nói.
Trước những vấn đề PNVN đặt ra, ông Tuấn cho biết đó cũng là những gợi ý rất tốt. Sở Y tế sẽ tiếp thu, tham mưu cho Ban chỉ đạo thành phố để chỉ đạo xuống các quận, huyện bố trí các buổi tiêm riêng cho người cao tuổi. Khi đó, số người tiêm sẽ ít hơn, các cụ sẽ được khám kỹ hơn và theo dõi chặt chẽ hơn. "Trường hợp vẫn phải tiêm chung thì các điểm tiêm sẽ cố gắng bố trí các bàn tiêm riêng cho người cao tuổi, nhằm giúp các cụ bớt thời gian đợi chờ", ông Tuấn cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn