Năm 2019, giới hâm mộ võ thuật nói chung và boxing nói riêng đón nhận một sự kiện vô cùng tự hào: Việt Nam có nữ võ sĩ boxing nhà nghề đầu tiên.
Mọi sự chú ý khi đó dành cho trận thượng đài giữa nữa võ sĩ Hà Thị Linh của Việt Nam và Zhao Yuanyuan (Trung Quốc) tại hạng cân 61kg. Lần đầu tiên Việt Nam có một nữ võ sĩ tham gia thi đấu trên võ đài chuyên nghiệp của WBO (World Boxing Organization - Liên đoàn quyền anh thế giới) khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trận đấu diễn ra tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Zhao Yuanyuan là nữ võ sĩ mạnh của Trung Quốc, có thể hình tốt, sải tay dài cùng cách đánh mạnh mẽ, từng thắng 2 trận chuyên nghiệp trước đó.
Chung cuộc, nữ võ sĩ người Việt Nam trong lần thượng đài nhà nghề đầu tiên đã giành chiến thắng, đả bại võ sĩ được đánh giá mạnh hơn. Chiến thắng làm nức lòng cộng đồng võ thuật Việt Nam. Sàn đấu WBO - quyền anh nhà nghề danh tiếng và danh giá, rút cuộc đã có dấu ấn của nữ võ sĩ đến từ Việt Nam.
Một điều trước đây còn là kỳ lạ nhưng đã được lý giải: Lào Cai trở thành nơi sản sinh tài năng cho boxing Việt Nam. Trước kia và cho đến tận bây giờ, với nguồn lực còn hạn chế, thể thao và boxing trở thành con đường thoát nghèo cho những em nhỏ người dân tộc thiểu số. Nếu như người Mường có những VĐV điền kinh tốc độ thì người Tày có tố chất là sức mạnh, sự dẻo dai và ý chí kiên cường của "những người con của núi rừng". Boxing cần đến những tố chất đặc biệt, cần ý chí đặc biệt. Hà Thị Linh là một cô gái người Tày ở đất Lào Cai. Khó khăn, thiếu thốn tôi luyện kỷ luật sắt đá, sức chiến đấu mạnh mẽ cho Hà Linh.
"Bây giờ đã là bà mẹ 2 con, khó khăn sẽ gấp nhiều lần, em phải xa gia đình, xa các con. Giáo án luyện tập của boxing rất nặng. Phụ nữ sau khi sinh nở, sức khỏe giảm sút đi rất nhiều, mọi thứ em phải cố gắng rất nhiều", đó là những chia sẻ của Hà Linh. Những chia sẻ, tâm sự rất thật lòng, rất khiêm nhường giản dị của một nữ VĐV - một người mẹ nhưng thực chất phía sau đó là những sự nỗ lực cực lớn lao. Với thể thao nói chung, nữ VĐV rất khó giữ được phong độ đỉnh cao sau khi sinh nở, với bộ môn boxing lại càng khó. Các nữ võ sĩ trên thế giới hầu hết đều giải nghệ sau khi đã sinh con. Tấm ảnh bà mẹ Hà Linh địu con nhỏ trên sàn boxing đã lan tỏa mạnh mẽ, ở trong đó có sự khâm phục và yêu mến dành cho nữ võ sĩ người Tày.
12 tuổi, Hà Thị Linh rời quê nhà ở Lào Cai xuống Hà Nội luyện tập boxing bởi lý do "được nuôi ăn học, có trợ cấp, bố mẹ đỡ phải lo". Năm 2013, khi vừa tròn 20 tuổi, nữ võ sĩ người Tày có tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên. Năm 2015, cô giành huy chương boxing châu Á. Hà Thị Linh và đồng đội cũng là đồng hương Lào Cai Lừu Thị Duyên là những người tạo ra lịch sử cho boxing nữ Việt Nam.
10 năm trước, tấm HCV của Hà Thị Linh là 1 trong những HCV đầu tiên của boxing nữ Việt Nam tại SEA Games. Đến SEA Games 32, trận chung kết giữa Hà Linh với nữ võ sĩ Riza Pasuit người Philippines rất được quan tâm. Một bên là "máy đấm" Riza Pasuit với biệt danh "Dao cạo" liên tiếp tham dự và có thành tích tốt ở các giải quốc tế, một bên là bà mẹ 2 con đã ở độ tuổi 30.
Chiến thuật tốt nhưng cũng đầy hưng phấn, những cú ra đòn hiệu quả đã giúp Hà Linh thắng điểm tuyệt đối 2 hiệp đấu đầu tiên trước đối thủ. Đến hiệp đấu cuối, bản lĩnh, kinh nghiệm đã giúp Hà Linh chiến thắng. Bản lĩnh, ý chí, nghị lực phi thường là những gì mà Hà Linh thể hiện ở trận chung kết, cũng như suốt cả hành trình dài. 2 tấm huy chương vàng cách nhau 10 năm, bà mẹ 2 con tạo ra điều tưởng chừng như không thể ở môn boxing.
Chồng của Hà Linh trước đây làm công việc lái xe tải ở mỏ. Trong suốt sự nghiệp thi đấu, Hà Linh luôn nhận được sự cổ vũ, động viên tinh thần của gia đình. Luyện tập xa nhà, cứ mỗi tháng đôi lần, nữ võ sĩ lại bắt xe ô tô về Lào Cai thăm chồng con.
Chia sẻ về mong muốn của mình, bà mẹ 2 con cho biết khi 40 tuổi sẽ về quê và mở lớp dạy võ, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho các em nhỏ, đặc biệt là những em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Vượt qua những thách thức, chiến thắng giới hạn bản thân, luôn mạnh mẽ để tiến về phía trước là những thông điệp mà nữ võ sĩ boxing nhà nghề đầu tiên của Việt Nam muốn gửi gắm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn