Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Báo cáo tại hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Châu (huyện Kỳ Anh) cho biết, sau gần 1 năm thành lập, mô hình "Dịch vụ gia đình" có 13 thành viên tham gia, mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch" có tổng số 75 thành viên.
Trong đó, 75/75 gia đình thuộc mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch" đảm bảo an toàn đạt tiêu chuẩn 3 cứng; có 70 thành viên xây hố xử lý nước thải tại hộ gia đình; có 65/75 hộ xây dựng hố xử lý rác thải và sử dung chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ; nhà ở, bếp được sắp xếp khoa học, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ; 100% hộ gia đình có khuôn viên nhà đảm bảo xanh - sạch - đẹp; môi trường sống an toàn, sạch sẽ. 70/75 hộ gia đình có công việc thu nhập ổn đinh, chủ yếu kinh doanh, buôn bán lẻ tại các chợ trong huyện; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ gia đình thấp nhất là 45 triệu đồng/năm.
Các thành viên cũng tích cực tham gia CLB thể dục, thể thao; tham gia lớp tập huần truyền thông xây dựng "Gia đình 5 có, 3 sạch"; nêu cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh, tích cực tham gia hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Đối với mô hình "Dịch vụ gia đình", nhờ đẩy mạnh quảng bá tới khách hàng thông qua tờ rơi và mạng xã hội, sau gần 1 năm đã làm được 489 mâm cỗ phục vụ cho 57 hộ gia đình và 13 tập thể; doanh thu ước tính gần 700 triệu đồng. Mô hình này đã tạo vệc làm không thường xuyên cho 13 chị; tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hộ gia đình. Trung bình thu nhập của thành viên là 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn chung, sau thời gian hoạt động, 2 mô hình đã được cấp ủy và gia đình thành viên ghi nhận và đồng tình các hoạt động. Câu lạc bộ có sự lan tỏa tích cực cho các gia đình trong thôn. Cảnh quan gia đình, thôn xóm được thay đổi theo chiều hướng tích cực, tươi mới. Tham gia mô hình, chị em phụ nữ có dịp gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai, chia sẻ các bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất đề hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Theo đó, khó khăn lớn nhất trong khâu vận động của các cán bộ Hội phụ nữ ở các chi, tổ là phương pháp tuyên truyền còn hạn chế, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, mô hình "dịch vụ gia đình" còn thiếu tính chuyên nghiệp như chưa có kinh nghiệm thiết kế thực đơn, số lượng món ăn còn chưa phong phú, quảng bá dịch vụ vẫn còn kém. Công việc của chị em chủ yếu tập trung các ngày lễ, Tết nên thu nhập chưa cao.
Trước sự nhìn nhận, rút kinh nghiệm thẳng thắn, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Lệ Hà khẳng định, sự phù hợp, ý nghĩa của mô hình "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch" và "Dịch vụ nấu ăn", góp phần đem lại cuộc sống bền vững, thắt chặt tình cảm, nâng cao đoàn kết trong chị em phụ nữ địa phương. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đề nghị các thành viên tham gia mô hình tiếp tục đưa hoạt động vào chiều sâu, chú trọng chuyển đổi số trong các hoạt động, phát triển thêm thành viên; các cấp Hội nghiên cứu, nhân rộng mô hình tại địa phương mình...
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục xây dựng câu lạc bộ đạt mô hình dân vận khéo, giúp đỡ các gia đình đạt bền vững các tiêu chí, hướng dẫn 10 gia đình trong câu lạc bộ thí điểm trồng hoa và cây xanh trong vườn tạo cảnh quan đẹp và nhân rộng; tăng cường công tác truyền thông mô hình "Dịch vụ nấu ăn", mở rộng dịch vụ sang các địa bàn khác, tạo việc làm cho nhiều thành viên trong các chi hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn