Sự xuất hiện của tội phạm thẻ chính là nguyên nhân làm phát sinh những xung đột, tranh chấp giữa chủ thẻ với ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, tranh chấp rất khó giải quyết bởi tồn tại sự thiếu an toàn trong giao dịch và sơ hở trong yếu tố pháp lý.
Vào một đêm giữa tháng 6 vừa qua, anh Trần Đức Tuấn (quận Tân Bình, TPHCM) bất ngờ nhận được liên tiếp 3 tin nhắn với nội dung tiền từ thẻ ATM của anh bị rút mất 6 triệu đồng (3 lần rút gần như cùng lúc, mỗi lần 2 triệu đồng). Kiểm lại trong ví, thấy tấm thẻ vẫn “ngoan ngoãn” nằm im, biết là thẻ của mình đã bị hack, anh tức tốc gọi điện vào đường dây nóng của ngân hàng C. để báo tin. Song, có lẽ vì lúc này là gần nửa đêm nên đường dây “nóng” lại… nguội ngắt, không có ai trả lời.
Hôm sau, anh Tuấn trực tiếp đến phòng giao dịch của ngân hàng C. để khiếu nại. Nhân viên ghi nhận tất cả những điều anh phản ảnh, rồi hẹn sẽ có hồi đáp trong vòng… 1 tháng. Rất đúng hẹn, 1 tháng sau anh nhận được văn bản trả lời với nội dung “Hệ thống camera an ninh tại trụ ATM có ghi nhận người rút tiền vào giờ, ngày đó. Nhưng vì trời tối nên không thể nhận diện”?! Văn bản trên cũng khẳng định, số tiền mà anh bị rút coi như là “đã mất” và ngân hàng không chịu trách nhiệm.
Đây là chuyện không quá hiếm gặp. Đã nhiều người phàn nàn rằng, tiền để trong thẻ tức là giao cho ngân hàng giữ nhưng khi bị “mất trộm” thì ngân hàng lại “phủi” trách nhiệm, thậm chí “đổi lỗi” cho chủ thẻ. Với tình hình tội phạm công nghệ trong lĩnh vực thẻ ngân hàng đang có xu hướng tăng nhanh, “trình độ tay nghề” không ngừng được nâng cao, thì những chuyện tương tự chắc chắn sẽ ngày một nhiều hơn và số tiền bị chiếm đoạt hẳn sẽ không ở mức “cò con” vài triệu đồng như trường hợp của anh Tuấn.
Đây là chuyện không quá hiếm gặp. Đã nhiều người phàn nàn rằng, tiền để trong thẻ tức là giao cho ngân hàng giữ nhưng khi bị “mất trộm” thì ngân hàng lại “phủi” trách nhiệm, thậm chí “đổi lỗi” cho chủ thẻ. Với tình hình tội phạm công nghệ trong lĩnh vực thẻ ngân hàng đang có xu hướng tăng nhanh, “trình độ tay nghề” không ngừng được nâng cao, thì những chuyện tương tự chắc chắn sẽ ngày một nhiều hơn và số tiền bị chiếm đoạt hẳn sẽ không ở mức “cò con” vài triệu đồng như trường hợp của anh Tuấn.
Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn cho những tội phạm thẻ quốc tế
Các tổ chức thẻ quốc tế gần đây đã nhiều lần khuyến cáo, Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn cho những tội phạm thẻ quốc tế. Bởi nhiều ngân hàng thương mại nội địa chạy đua phát hành số lượng thẻ nhưng lại ít chú trọng đến đầu tư công nghệ thẻ để bảo mật cho khách hàng lẫn an toàn cho ngân hàng. Bản thân người dùng thẻ cũng chưa trang bị kiến thức trong việc sử dụng thẻ an toàn.
Thông thường, khi có xung đột quyền lợi trong giao dịch, hai bên sẽ đàm phán, tìm cách tháo gỡ xung đột. Trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì có thể nhờ cơ quan tài phán độc lập phán xét. Phán quyết của cơ quan thẩm quyền có hiệu lực pháp luật mới có uy lực ràng buộc hai bên tranh chấp. nhưng không phải tất cả các tranh chấp đều được giải quyết theo trình tự này. Trong khi đó, hệ thống các quy định, quy tắc nhằm tạo ra cơ sở pháp lý để có thể giải quyết các tranh chấp thì vẫn còn quá sơ sài và nhiều lỗ hổng, khiến cho các bên liên quan hầu như không thể tự giải quyết khi phát sinh sự cố.
Mỗi khi xảy ra tranh chấp, cả ngân hàng lẫn khách hàng đều có những lập luận để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng mục đích cuối cùng là tìm được tiếng nói chung, thống nhất hướng giải quyết thỏa đáng, thì hầu như chưa có.
Trước tình hình này, một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank... đã đồng loạt chuyển đổi thẻ từ sang thẻ “chip”, vốn được đánh giá là giải pháp tối ưu trong phòng chống giả mạo và đa năng hóa dịch vụ. Ngân hàng Đông Á thì thay thế máy ATM mới với các tính năng nổi bật như: Nhận diện khuôn mặt, trang bị thiết bị chống skimming (hình thức sử dụng thiết bị sao chép dữ liệu để đưa vào khe đọc thẻ của máy ATM), cảnh báo tấn công... Trong đó, thiết bị nhận diện khuôn mặt sẽ không cho phép khách hàng đeo khẩu trang, kính râm hay mũ bảo hiểm khi thực hiện giao dịch...
Tuy nhiên, chừng đó giải pháp, với tính chất thuần túy kỹ thuật, vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Do vậy, thường mỗi khi hacker “ăn ốc” thì chính chủ thẻ là người phải “đổ vỏ”!