"Hai chữ P" - phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch

16:00 | 05/12/2021;
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh chủ đề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 là "hai chữ P" - phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững kinh tế sau đại dịch.

Ngày 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ''Phục hồi và phát triển bền vững''. Diễn đàn nhằm đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không "lỡ nhịp" xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội. Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng không đạt được mục tiêu đã đề ra.

"Hai chữ P" - phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để đối phó với dịch bệnh, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế xã hội, trong 2 năm qua, Việt Nam đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ trong 2 năm qua ước khoảng 4% GDP, trong đó gói về tài khóa là khoảng 2,9%, gói về tiền tệ là khoảng 1,1%.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu thuộc Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia, tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844.000 tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP.

Gói hỗ trợ đề xuất chiếm khoảng 10,38% GDP. (Cụ thể, trong đó, chính sách tài khóa 678.395 tỷ đồng, chính sách tiền tệ 65.000 tỷ, chính sách an sinh xã hội 12.800 tỷ, chính sách khác 36.650 tỷ, đầu tư của SCIC vào doanh nghiệp 50.000 tỷ đồng).

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là một cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức lắng nghe các nhà khoa học, đối tác hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Chủ đề của Diễn đàn là "hai chữ P" – tức là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

"Hai chữ P" - phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch - Ảnh 2.

Toàn cảnh Diễn đàn

Đồng thời những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững.

Ngoài hai chữ P ra thì Diễn đàn này thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa "hai chữ C" – Chính sách và Cuộc sống.

Tại diễn đàn, các diễn giả trình bày về kinh nghiệm quốc tế kể cả trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam. Những ý kiến đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội hiện nay và những kiến nghị đề xuất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn