Hải Dương có gần 1.000 ca F1, F2, nhiều nhất ở ổ dịch Ngô Quyền

22:51 | 14/08/2020;
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhận định, tình hình hiện nay cho thấy, nguy cơ Hải Dương bùng phát dịch đang hiện hữu, nếu không kiểm soát tốt.

Chiều 14/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương họp bàn các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch sau khi Bộ Y tế công bố Hải Dương có thêm 3 ca mắc COVID-19 sáng 14/8. Đây đều là những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 867.

Cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương rà soát các trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, hiện Hải Dương có trên 500 ca F1, F2 liên quan đến “ổ dịch” ở 36 Ngô Quyền. Huyện Thanh Hà có 15 trường hợp F1 và 15 trường hợp F2. Huyện Bình Giang có 37 trường hợp F1 và 257 trường hợp F2. Thành phố Hải Dương có 37 trường hợp F1 và 173 trường hợp F2.

Việc lấy mẫu xét nghiệm đã được tích cực triển khai. Trong ngày 13/8, cơ quan y tế tỉnh đã lấy 84 mẫu xét nghiệm liên quan đến bệnh nhân 867 và các kết quả đều âm tính.

Đêm 13/8 đã lấy mẫu 39 trường hợp F1 của 3 ca bệnh mới xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính. Trong sáng 14/8 đã lấy mẫu của 57 trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhận định, tình hình hiện nay cho thấy, nguy cơ Hải Dương bùng phát dịch đang hiện hữu, nếu không kiểm soát tốt.

Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là dốc toàn lực cho công tác truy vết và khẩn trương xét nghiệm sàng lọc, chậm nhất đến 16/8, tất cả F1 phải được làm xét nghiệm. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, không loại trừ cơ quan, hàng quán, nhà dân nào trong khu vực phong tỏa ở “tâm dịch” 36 Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão.

Hải Dương có gần 1.000 ca F1, F2, nhiều nhất ở ổ dịch Ngô Quyền - Ảnh 1.

Chốt liên ngành kiểm soát từ số nhà 20 - 66 Ngô Quyền TP Hải Dương. Ảnh: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hải Dương cung cấp

Người đứng đầu tỉnh Hải Dương cũng đề nghị thành phố Hải Dương nghiên cứu dừng thêm một số hoạt động không thiết yếu đến khi có thông báo mới. Huyện Thanh Hà cần ứng phó quyết liệt, giãn cách những nơi bệnh nhân 906 và bệnh nhân 907 đã đến và các tuyến xe buýt có liên quan đến các ca bệnh này.

Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát lại các cơ sở để phòng chống dịch như chuẩn bị địa điểm cách ly tập trung, đặc biệt là huyện Bình Giang và Thanh Hà.

Đối với F2, cần công bố rộng rãi để người dân biết, giám sát, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với đó, các cơ quan cần xử lý nghiêm tất cả những trường hợp không chấp hành phòng, chống dịch COVID-19.

Về việc thực hiện giãn cách xã hội tại thành phố Hải Dương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương lưu ý không ngăn sông cấm chợ. Bộ phận một cửa vẫn hoạt động, tuy nhiên cần đảm bảo giãn cách. Tiếp tục phát động tính tự giác khai báo y tế đối với người dân.

Các chốt kiểm soát phải thực hiện yêu cầu người dân khai báo y tế, cài đặt bluzone và đo thân nhiệt; các huyện, nhất là những huyện giáp ranh với thành phố Hải Dương cần vào cuộc thành lập các chốt kiểm tra người vào địa bàn.

Hải Dương quyết tâm không để cách ly, phong tỏa kéo dài quá tháng 8 và không mở rộng phạm vi cách ly, phong tỏa.

Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết, công an tỉnh đã lập 17 chốt để “chi viện” cho thành phố Hải Dương triển khai giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hiện tại lực lượng cho các chốt còn thiếu.

Tại cuộc họp, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết sẵn sàng hỗ trợ công tác xét nghiệm và đề xuất, nếu trưng dụng bệnh viện làm nơi điều trị, đề nghị tỉnh hỗ trợ máy móc, trang thiết bị.

Theo Sở Y tế Hải Dương, với cơ sở vật chất hiện tại, rất khó để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm cho các trường hợp F1, F2. Sở Y tế Hải Dương đã đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 5.000 kit xét nghiệm và sở cũng đề xuất tăng cường năng lực máy móc, nhân lực cho công tác xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

Được biết, có 2 doanh nghiệp đã đặt vấn đề hỗ trợ Hải Dương mua máy xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn