Sau khi hàng loạt cán bộ, đảng viên thị trấn Kẻ Sặt bị khai trừ, kỷ luật Đảng do vi phạm về đất đai, người dân tiếp tục gửi đơn đến Báo PNVN tố cáo về việc hơn 9ha đất khu Triều Viềng bị người nhà Bí thư thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) chiếm dụng, không nộp phí gì cho địa phương.
Theo tố cáo của người dân, khoảng năm 1972, hàng ngàn người dân xã Tráng Liệt (nay là thị trấn Kẻ Sặt) đã cùng nhau góp sức quai đê bao Triều Viềng.
Năm 1976, HTX Tráng Liệt tiến hành chia ruộng ở bãi Triều Viềng cho các đội sản xuất. Sau đó, đội sản xuất lại chia cho từng xã viên để canh tác trồng lúa mỗi năm một vụ, thời gian còn lại trong năm thì trồng rau màu để tăng thu nhập.
Đến năm 2001, UBND xã đã thu hồi lại toàn bộ đất nông nghiệp khu bãi Triều Viềng và cho nhân dân đấu thầu. Lúc này, có khoảng 60 hộ trên địa bàn xã Tráng Liệt trúng thầu, mỗi năm trả cho xã 55kg thóc/sào (360m2). Số tiền đó, địa phương dùng để tu bổ hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất.
Đến năm 2007-2008, các xã viên nhận được thông báo của UBND xã sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất canh tác (khoảng 9ha) khu Triều Viềng để giao cho Đoàn Thanh niên xã làm mô hình HTX Thanh Niên Thành Công (gọi tắt là HTX Thanh Niên), do cấp trên đầu tư kinh phí.
Tuy nhiên, khi xã viên giao đất thì HTX Thanh Niên không tổ chức sản xuất như đã thông tin ban đầu. Thay vào đó, toàn bộ 9ha đất khu Triều Viềng lại được giao cho người thân của ông Quách Công Thọ (hiện là Bí thư Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt) và để hoang hóa nhiều năm nay. Không những thế, một số diện tích đất tại khu vực Triều Viềng đã được san ủi, chia lô, phân nền, thậm chí còn xây nhà bên trong.
Ông Phạm Hồng Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt cho biết, Triều Viềng là khu đất phình ra. Sau trận lụt năm 1971, địa phương tiến hành quai đê lấn triều sông Sặt, vì lúc ấy xã có rất ít diện tích đất canh tác.
Sau khi hoàn thành, UBND xã Tráng Liệt đo đạc thì có 9ha đất có thể canh tác được, còn 3ha làm làng nghề như lò gạch,… Năm 1976, HTX Tráng Liệt tiến hành chia ruộng ở bãi Triều Viềng cho các đội sản xuất và xã viên.
Đến năm 2008, các xã viên giao đất Triều Viềng cho UBND xã để làm mô hình HTX của Đoàn Thanh niên. Tuy nhiên, mô hình này không thấy đóng góp được gì cho địa phương. "Đất này do người dân địa phương quai quật mà có chứ không phải đất giao ruộng trong sổ đỏ. Trong chừng ấy năm, cái HTX Thanh niên sử dụng không làm hiệu quả thì trả lại cho địa phương canh tác, chứ cứ để nhân dân bức xúc thế này thì không hay", ông Thanh bức xúc.
Khi nhắc đến đất Triều Viềng, ông Phạm Văn Phát, cũng rất bức xúc. Ông Phát kể lại: Năm 2008, khi đó tôi làm Trưởng ban Chăn nuôi của xã. Lúc ấy, Ban chăn nuôi đang giữ một nửa diện tích Triều Viềng. Ông Quách Công Thọ (khi ấy là Bí thư Đoàn xã) xin chúng tôi nhường đất để triển khai mô hình HTX Thanh Niên. Với mong muốn có thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đóng góp cho địa phương, chúng tôi đồng ý. Tuy nhiên, từ đó đến nay tôi chẳng thấy Đoàn nào triển khai, mà người nhà ông Bí thư Quách Công Thọ làm. Bao nhiêu con người đi quai đê lấn triều, giờ lại chỉ có mấy anh em nhà lãnh đạo hưởng nên chúng tôi rất bức xúc.
Còn ông Chu Diệp Đức, nguyên là cán bộ Văn phòng UBND xã Tráng Liệt cho biết, trước đây đất Triều Viềng được chia cho các xã viên. Trong quá trình canh tác, người dân có đóng góp kinh phí cho địa phương. Số phí đó được dùng để cải tạo đất cũng như làm các công trình công ích phục vụ sản xuất. Khi ông nghỉ công tác được một thời gian, UBND xã Tráng Liệt lại thu đất của xã viên rồi giao cho Đoàn thanh niên và HTX Thanh Niên nhưng từ đó chẳng làm gì. "Đề nghị cấp trên làm rõ có hay không việc Bí thư thị trấn Kẻ Sặt lợi dụng chiếm đất khu Triều Viềng giao cho người nhà; đồng thời, làm rõ việc trong từng ấy năm sử dụng, HTX Thanh Niên có nộp phí gì hay không? Nếu có, thì nộp cho ai, được bao nhiêu, sử dụng như thế nào", ông Đức đề nghị.
Trao đổi với PNVN, ông Phạm Tiến Đạt, cán bộ địa chính thị trấn Kẻ Sặt cho biết, UBND thị trấn Kẻ Sặt đã nhận được đơn thư của người dân về vấn đề này. Theo ông Đạt, trước đây, UBND xã Tráng Liệt cũng giao đất của khu Triều Viềng cho các hộ dân canh tác. Tuy nhiên, năm 2009, UBND xã Tráng Liệt có thông báo thu hồi, giao cho HTX Thanh Niên Thành Công. UBND xã cho HTX thuê khu đất này với mục đích trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian thuê theo nhiệm kỳ.
Đến năm 2011, HTX Thanh Niên làm thủ tục thuê đất với UBND huyện Bình Giang. Thường trực huyện ủy đã đồng ý về mặt chủ trương, rồi chuyển hồ sơ sang UBND huyện Bình Giang. Tuy nhiên, lúc này thì phát sinh quy hoạch cánh đồng vườn đào, gồm cả khu Triều Viềng thành một điểm dân cư. Do quy hoạch điểm dân cư, nên UBND huyện cũng không thể cho thuê. Vì thế, HTX không thuê được. Hiện tại, 9 ha đất Triều Viềng HTX Thanh Niên vẫn đang sử dụng. Hiện trên diện tích đấy vẫn chăn nuôi, trồng cây.
Về việc có phân lô bán nền hay không, ông Đạt cho biết đất Triều Viềng thuộc diện công cộng do địa phương quản lý, chỉ giao cho các hộ theo diện khoán thầu. Khi giao cho HTX Thanh Niên, thì họ cũng có xây cái nhà để trông coi.
Ngay sau đó, ông Đạt dẫn chúng tôi đi thực địa tại khu Triều Viềng. Ông Đạt cho biết hầu hết đất để cỏ mọc um tùm, thi thoảng có ít cây ăn quả như nhãn, đu đủ. Ở giữa khu có một ngôi nhà bằng nhôm kính nhưng không có người ở. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh dãy cây ăn quả là một ngôi nhà kiên cố, rộng vài trăm mét m2 và ao cá rộng hàng ngàn m2, chủ nhà đang làm dịch vụ hồ câu cá. Chúng tôi đặt vấn đề, căn nhà và ao có nằm trong khu Triều Viềng không, ông Đạt cho biết: "Có lẽ phần ao là thuộc khu Triều Viềng, còn căn nhà thì chưa rõ có thuộc Triều Viềng hay không. Bản thân tôi mới về địa phương công tác nên cũng chưa nắm rõ hết được", ông Đạt nói.
Dù vậy, những người dân ở thị trấn Kẻ Sặt đi cùng ông Đạt thì khẳng định, cả căn nhà và ao cá đó đều nằm trong khu Triều Viềng. "Trước đây nhà ông tôi ở bên cạnh căn nhà trắng và hồ câu đó. Vì vậy, tôi khẳng định, cả ao cá và căn nhà đều nằm trong khu Triều Viềng", ông Phạm Văn Phát nói.
Trao đổi với PNVN, ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, cho biết, về vấn đề đất Triều Viềng mà người dân phản ánh, UBND thị trấn đã tiến hành xác minh. Kết quả cho thấy, năm 2008, ông Quách Công Thọ là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tráng Liệt đã xin UBND xã thu hồi và giao cho Đoàn Thanh niên xã. Sau đó, Đoàn Thanh niên đã thành lập HTX Thanh Niên Thành Công do ông Quách Công Thường làm chủ nhiệm. Đến 2010, ông Thọ được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tráng Liệt. Năm 2011, ông Thọ được bầu làm Chủ tịch HĐND xã Tráng Liệt, kiêm Phó Bí Thư Đảng ủy xã.
Ông Lâm cũng xác nhận, ông Quách Công Thường, Chủ nhiệm HTX Thanh Niên Thành Công là anh ruột của ông Quách Công Thọ. Tuy nhiên, trước nay ông Thường không sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, HTX vẫn hoạt động, nhưng thực chất chỉ có người nhà của ông Thọ mà không có xã viên nào. "Tôi cũng đã trực tiếp đến khu vực này để kiểm tra. Bên trong có mấy dãy nhà chuồng lợn bỏ hoang, một nhà 2 tầng làm bằng khung kính nhưng đã lâu không sử dụng", ông Lâm cho biết.
Ông Lâm cũng cho biết, cái ao mà người dân phản ánh chắn chắn thuộc khu Triều Viềng, còn căn nhà sơn trắng cũng có thể thuộc khu Triều Viềng. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn, UBND thị trấn cũng đang cho xác minh lại.
Về việc HTX Thanh niên có đóng góp kinh phí cho địa phương hay không, ông Lâm khẳng định qua rà soát công tác kế toán, đã xác định từ khi được giao đất đến nay, HTX Thanh Niên Thành Công chưa đóng góp một xu, một đồng nào cho địa phương.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn