Theo phản ánh của người dân, từ năm 2012 đến năm 2017, UBND xã Tráng Liệt (nay là thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương) đã phân lô, bán đất trái phép cho người dân địa phương. Nguồn gốc đất UBND xã Tráng Liệt bán cho người dân bao gồm đất trường học, đất nông nghiệp, đất cạnh đường giao thông, đất ao san lấp…
Việc mua bán đất không được UBND xã thông báo, đấu giá mà được "rỉ tai" nhau. Nếu ai có nhu cầu thì đến UBND xã để đăng ký mua. Giá bán từ vài trăm triệu đồng/lô đến vài tỷ đồng/lô tùy theo diện tích và vị trí đất. Pháp lý cho các lô đất được UBND xã Tráng Liệt bán là các phiếu thu do xã tự in.
Sau khi mua đất, người dân đã xây dựng nhà kiên cố để sinh sống, buôn bán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, hàng chục hộ dân hốt hoảng khi phát hiện ra các văn bản của cơ quan quản lý xác định đất họ mua thực chất là đất lấn chiếm. Các công trình xây dựng trên đất đó là công trình vi phạm.
Kết luận thanh tra số 08/KL-STNMT ngày 31/10/2017 của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hải Dương về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với UBND xã Tráng Liệt trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Kết luận thanh tra đã nêu lên những sai phạm trong việc quản lý đất công ích của xã Tráng Liệt như: Chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm về đất đai; có dấu hiệu bao che cho đối tượng vi phạm dẫn đến tình trạng vi phạm như lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử đụng dất, san lấp, xây dựng nhà ở, nhà xưởng trái phép trên địa bàn xã diễn ra công khai…
Trong kết luận trên, Sở TNMT Hải Dương kiến nghị UBND xã Tráng Liệt khẩn trương thực hiện nhiều nội dung, trong đó, có việc: Ngăn chặn các trường hợp san lấp, xây dựng trái phép, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ đất công, đất xen kẹt, đất chưa sử dụng trên địa bàn xã. Đồng thời xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; Kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất 03 (đất nông nghiệp) sang làm đất ở, đất sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã; Xác định đối tượng vi phạm tại vị trí đối diện xí nghiệp Tài nguyên và một trường 3 và trước cổng Công ty cổ phần Hưng Phú, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu các đối tượng tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Kết luận thanh tra nêu rõ: Nếu các đối tượng không thực hiện thì báo cáo UBND huyện Bình Giang để thực hiện việc giải tỏa, cưỡng chế tháo dỡ; Rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND huyện để có biện pháp xử lý đối với các hộ đang sử dụng đất tại vị trí đối diện trụ sở UBND xã Tráng Liệt và các trường hợp tương tự trên địa bàn; Rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm đất hành lang giao thông trên địa bàn xã, từ đó có biện pháp xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật,…
Thực hiện kết luận thanh tra của Sở TNMT Hải Dương, UBND xã Tráng Liệt đã có báo cáo số 11/BC-UB ngày 28/6/2018 Tổng hợp xác định nguồn gốc, diện tích sử dụng đất của các hộ vi phạm đất đai trên địa bàn.
Theo thống kê của UBND xã Tráng Liệt, trên địa bàn xã có 54 hộ lấn chiếm đất 03, đất công để xây dựng nhà kiên cố, nhà xưởng. Ví như, hộ gia đình ông P.Đ.T. Đất gia đình ông T. đang ở có diện tích 90m2, trên bản đồ thể hiện là đất sân vận động do UBND xã quản lý tại khu Hạ. Đất của gia đình ông T. không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép mà tự sử dung. Hiện trạng gia đình đã làm nhà 3 tầng, diện tích khoảng 80m2.
Hay như trường hợp gia đình bà P.Q.N. Báo cáo của UBND xã Tráng Liệt cho biết, gia đình đang sử dụng đất tại thử số 331; tờ bản đố số 01; bản đồ đo vẽ 2001, thể hiện là đất sân vận động do UBND xã quản lý tại khu Hạ; diện tích khoảng 90m2. Nhận tặng cấp của mẹ là Lê Thị Thái. Đất của bà Lê Thị Thái không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép, gia đình tự ý sử dụng. Hiện là nhà 3 tầng, diện tích khoảng 76m2.
Ngoài ra, còn các hộ khác như gia đình ông N.V.D. (đang sử dụng đất lúa, hiện đã san lấp làm sân), gia đình ông P.X. (đất lúa, hiện đã làm nhà), gia đình ông Q.N.H. (đất lúa, hiện đã san lấp làm sân và đường), hộ ông P.V.V. (đất lúa, hiện đã làm nhà),…
Ngay sau khi phát hiện 2 văn bản trên, hàng chục hộ dân trên địa bàn thị trấn Kẻ Sặt đứng ngồi không yên. Bởi căn cứ vào 2 văn bản trên, gia đình họ có nguy cơ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ nhà bất cứ lúc nào. Vì vậy, một số người đã làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.
Trao đổi với PNVN, nhiều gia đình trong số 54 hộ có tên trong bản báo cáo của UBND xã Tráng Liệt rất bức xúc. Bởi lẽ, lô đất của gia đình họ đang sử dụng là do sự "mua bán" với UBND xã, có phiếu thu và xác nhận của chính quyền địa phương. Thậm chí, UBND xã còn cấp giấy "Xác nhận quyền sử dụng đất" cho những hộ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Ông P.Đ.T. (đường Âu Cơ, khu Hạ, thị trấn Kẻ Sặt) cho biết, năm 2012, qua người quen, ông được biết UBND xã Tráng Liệt bán đất sân vận động trường THCS Tráng Liệt. Sau khi trình bày, ông được UBND xã Tráng Liệt đồng ý bán cho lô đất với giá 700 triệu đồng. Theo đó, lô đất của gia đình ông có diện tích khoảng 90m2, thửa đất số 331, tờ bản đồ số 1, bản đồ số 1. Gia đình ông đóng tiền làm 3 đợt. Mỗi lần đóng tiền, ông đều được UBND xã cấp phiếu thu hoặc phiếu biên nhận. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, năm 2015 ông xây nhà kiên cố trên lô đất đã mua.
Để "chắc ăn", ông T. hỏi UBND xã Tráng Liệt về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). UBND xã Tráng Liệt cho biết, để được cấp sổ đỏ thì phải có đợt. Tuy nhiên, UBND xã đã cấp cho gia đình ông giấy "Xác nhận quyền sử dụng đất" do lãnh đạo UBND xã ký. Tờ xác nhận gồm thông tin về khu đất, thông tin về diện tích và xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Có một điều lạ, gia đình ông T. mua đất từ năm 2012, đến năm 2015 mới hoàn thành, nhưng Giấy xác nhận quyền sử dụng đất lại được cấp ngày 30/9/2007, do Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hùng ký.
"Việc mua bán đất của chúng tôi đều có giấy tờ đầy đủ, có phiếu thu, xác nhận của UBND xã Tráng Liệt. Nếu chúng tôi chấp thuận kết luận của Sở TNMT Hải Dương và báo cáo của UBND xã thì chúng tôi là lấn chiếm đất công, mất không số tiền đã mua đất. Do đó, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương làm rõ những vấn đề trên", ông T. chia sẻ.
Cùng trong tâm trạng bức xúc, bà P.Q.N. (đường Âu Cơ, khu Hạ, thị trấn Kẻ Sặt) cho biết, khoảng năm 2012, gia đình biết UBND xã Tráng Liệt bán đất qua thông tin nội bộ nên đến đăng ký mua. Tại đây, bà đã đăng ký mua lô đất tại sân vận động trường THCS Tráng Liệt thì được báo giá 700 triệu đồng. Gia đình bà đồng ý mức giá trên. Đến nay, gia đình bà đã đóng 600 triệu đồng. Trong đó, bà đóng 500 triệu đồng đóng trước, khi chuẩn bị làm nhà thì đóng thêm 100 triệu đồng. Số tiền 100 triệu đồng còn lại bà giữ lại để chờ sổ đỏ và được UBND xã đồng ý. "Khi tôi chuẩn bị làm nhà, UBND xã hỏi có cần làm Giấy xác nhận quyền sử dụng đất như nhà ông T. không. Tôi bảo không cần, bởi Giấy xác nhận quyền sử dụng đất do UBND xã cấp cho ông T. vào năm 2007, chứ không phải năm 2015, tức không trùng thời điểm. Sau đó, UBND xã cho địa chính về đo đất cho gia đình và chúng tôi đã làm nhà kiên cố để ở", bà N. nói.
Bà N. cũng cho rằng, bản thân gia đình đã nộp tiền cho UBND xã và được cấp phiếu thu. Tức, có giấy tờ đầy đủ chứ không phải lấn chiếm đất công như báo cáo của UBND xã. Năm 20017, trước khi Thanh tra Sở TNMT Hải Dương về làm việc, UBND xã Tráng Liệt cử người đến gặp gia đình bà nói chuyện. "Họ nhờ tôi nói rằng đất của gia đình tôi không phải mua bán, hoặc nếu nói bán thì chỉ thu từ 50- 100 triệu đồng thôi. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý nói như vậy. Hiện chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền địa phương cấp sổ đỏ để người dân an tâm sinh sống, sản xuất", bà N. bày tỏ.
Mong muốn của bà N., ông T. cũng là mong muốn của 54 hộ dân khác. Hơn lúc nào hết, họ mong cơ quan chức năng sớm có phương án giải quyết việc cấp giấy tờ cho các thửa đất mà họ đang sử dụng. "Chúng tôi mua đất thì UBND xã bán và nhận tiền, có phiếu thu rồi địa chính xã xuống đo đất nên chúng tôi tin tưởng lắm. Vài trăm triệu đồng là số tiền rất lớn, chúng tôi dành dụm cả đời mới mua được mảnh đất. Giờ bảo chúng tôi vi phạm, cưỡng chế tháo dỡ thì không được", một hộ dân chia sẻ.
Tại buổi làm việc với PNVN ngày 21/10, ông Phạm Đỗ Lâm cũng đã xem xét phiếu thu tiền mua đất của UBND xã Tráng Liệt (cũ). Ông Lâm cho biết, hiện nay UBND thị trấn Kẻ Sặt không có loại phiếu thu như trên và phiếu thu này cũng không chính xác. Bởi nếu có thu thì phải có hóa đơn của cơ quan Thuế cấp.
Ông Lâm cũng thừa nhận UBND xã không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND thị trấn Tráng Liệt cấp cho người dân là không đúng quy định.
Về vấn đề trên, ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, cho biết, cuối năm 2019 xã Tráng Liệt được sáp nhập vào thị trấn Kẻ Sặt. Trước thời điểm sáp nhập, ông làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt nên những việc bán đất công, thu tiền, xây dựng trái phép xảy ra ở xã Tráng Liệt ông không nắm được.
Cũng theo ông Lâm, trước những thông tin phản ánh về tình trạng mua bán đất trái phép tại địa phương thời gian qua, UBND thị trấn đã nắm được. UBND thị trấn cũng đã nhận được đơn của 9 hộ dân đề nghị chính quyền địa phương cấp sổ đỏ. Trong tuần này, chúng tôi sẽ mời các hộ dân lên làm việc, nếu đất đủ điều kiện thì UBND xã sẽ hướng dẫn bà con để được cấp sổ đỏ theo đúng quy định.
Ông Lâm cũng cho biết, UBND huyện Bình Giang cũng đã nắm được vấn đề này và có văn bản số 550, ngày 15/10/2021 yêu cầu UBND thị trấn Kẻ Sặt làm rõ, báo cáo trước ngày 31/10/2021. Hiện tại, UBND thị trấn đang cử cán bộ đi xác minh để có hướng xử lý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn