Tại buổi giao ban trực tuyến với toàn bộ các bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương chiều ngày 6/2, Sở Y tế Hải Dương cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 557 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại 6 cơ sở điều trị. Vấn đề khó khăn nhất của địa phương hiện nay là bố trí nhân lực tại các cơ sở y tế khi toàn tỉnh Hải Dương đã có 7/12 huyện, thị xã, thành phố có bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, các đơn vị y tế cũng đã nêu rõ các thắc mắc từ vấn đề tổ chức phòng điều trị, ca điều trị đến bố trí máy móc, nhân lực dành cho bệnh nhân chạy thận.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong quá trình điều trị, các bệnh nhân yếu thế cần được đặc biệt quan tâm. Đó là trường hợp bệnh nhân có bệnh mãn tính, bệnh nhân chạy thận nhân tạo,… Bài học từ Đà Nẵng đã chỉ rõ những khó khăn, phức tạp khi điều trị cho những ca bệnh mắc Covid-19 có bệnh nền. Do đó, toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn Hải Dương cần phải đặc biệt chú ý bảo vệ tốt các đối tượng này.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền, bệnh mãn tính tại Hải Dương chiếm số lượng không nhiều. Trước mắt, cần điều trị tập trung các bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến đã được thành lập, tránh tình trạng phân tán. Ngoài ra, cần phải tích cực điều trị với mục tiêu quyết tâm không có bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, việc quan trọng nhất là phải phân luồng giữa các bệnh nhân thận nhân tạo với các bệnh nhân có nguy cơ khác. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo là một trong những đối tượng rất dễ mắc Covid-19. Trong quá trình chạy thận, phải bố trí được khu vực ở và cách ly để các vòng bệnh bên ngoài không xâm nhập được. "Nếu trong trường hợp Hải Dương có những ca bệnh đầu tiên mắc Covid-19 liên quan đến các trường hợp chạy thận nhân tạo thì BV Bệnh Nhiệt đới TƯ sẽ hỗ trợ tối đa việc tiếp nhận điều trị", bác sĩ Cấp nói
Trước mắt, để đảm bảo không có bất kỳ bệnh nhân chạy thận nhân tạo nào mắc Covid-19, tất cả các bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần/tuần ngay sau các buổi chạy thận tại cơ sở y tế. Đồng thời, các bệnh nhân chạy thận có yếu tố dịch tễ có nguy cơ cao cũng sẽ được bố trí ca chạy, máy chạy riêng để đảm bảo an toàn tối đa, bác sĩ Cấp nói.
Cũng theo ông Khoa, không chỉ bệnh nhân mắc Covid-19, ngành Y tế Hải Dương cũng đang cố gắng tối đa để đảm bảo nguồn thuốc điều trị, đặc biệt cho các bệnh nhân có bệnh mãn tính để đảm bảo toàn bộ người bệnh an tâm đón Tết. Tuy nhiên, tất cả các quy trình cấp, phát thuốc, tái khám đều phải đảm bảo an toàn y tế.
Dự kiến, ngày 7/2, BV Dã chiến thứ 3 của Hải Dương cũng sẽ được bàn giao, đáp ứng thêm 293 giường bệnh để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trong một diễn biến khác, chiều ngày 6/2, tại BV dã chiến số 2 (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương), 3 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên đã được công bố khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân Dương Minh T. (BN1664), Nguyễn Tiến D. (1665) và Hoàng Thị H. (BN1690). Cả 3 bệnh nhân đều là công nhân và có địa chỉ thường trú tại Chí Linh (Hải Dương).
Các bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi sức khoẻ tại khu vực riêng trong BV Dã chiến số 2 trong 14 ngày tiếp theo.
Sau khi chia sẻ những cảm xúc trong buổi lễ ra viện của 3 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Hải Dương, đại diện Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã trao giấy ra viện và quà Tết cho 3 bệnh nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn