Với người quen, dù biết Phương từ nhỏ, chứng kiến cảnh cô lớn lên hồn nhiên như cây cỏ, cũng không thể nào… quen nổi với kiểu tính cách nổi loạn của Phương. Khi còn bé, Phương là đứa trẻ không biết sợ là gì. Bất cứ thứ gì cô muốn, ông bà, bố mẹ và thậm chí cả họ hàng cũng phải tìm cách đáp ứng, dù có những mong muốn… không thể chấp nhận. Thí dụ như chuyện nhà hàng xóm nuôi con mèo giống Anh lông xù màu xám rất đẹp. Mấy lần chủ nhà bế mèo ra sân ngồi chơi, Phương mon men lại gần, lúc đầu không có ông bà, bố mẹ ở đó, cô bé cũng nhẹ nhàng gọi “miu miu…” và vuốt ve mèo rất nhẹ.
Nhưng chỉ cần có người nhà xuất hiện, vẻ “dịu dàng” biến mất, nhường chỗ cho… “quỷ sứ”. Phương bất ngờ túm mạnh đuôi mèo giật mạnh, khiến con mèo bị đau kêu ré lên và phóng đi trốn. Báo hại chủ của con mèo nhỏ cả buổi tối phải đi từng ngõ ngách để tìm mèo về. Mà nào có tìm thấy ngay, tận ba ngày sau mới thấy nó mắc kẹt trong bức tường xây giữa hai nhà. Đói, lạnh khiến con mèo gày trơ xương, run lẩy bẩy đầy sợ hãi khi thấy bóng người…
Sau lần đó, chủ mèo cứ thấy Phương là “né” thật nhanh vì không biết con bé sẽ còn gây ra chuyện gì. Vậy mà cũng không yên, bà cô bé đứng ngay đầu ngõ “mát mẻ” vì tội không cho cháu bà chơi với mèo như trước: “Có mỗi con mèo mà giữ khư khư, con gái con lứa gì coi con vật hơn cả đứa trẻ…”. Hàng xóm láng giềng biết chuyện chỉ chép miệng, lắc đầu “Bảo sao cháu bà ấy lại hư!”.
Trẻ con hàng xóm thì đầy lần phải khóc thét vì Phương. Có đứa trẻ đang ngồi trong lòng mẹ ăn bim bim, uống sữa, Phương từ đâu chạy tới, thản nhiên thò tay bốc bim bim cho vào miệng, ăn hau háu như thể đồ của mình. Báo hại, đứa trẻ bỗng dưng mất đồ, khóc ré lên. Mẹ nó nhắc Phương lần sau muốn ăn phải hỏi em, nếu em đồng ý cháu mới được lấy. Chỉ nhẹ nhàng nhắc vậy thôi mà Phương lập tức lăn ra đất, giãy đành đạch như thể vừa bị ai đó bắt nạt…
Chuyện đó đến tai mẹ Phương, cô ta mặt hằm hằm ra hàng nước mua gói bim bim rồi sang bấm cửa nhà hàng xóm, giọng hách dịch: “Lần sau con tôi ăn mấy miếng bim bim nhà chị thì chị cứ để nó ăn, rồi tôi sẽ trả nguyên gói!”… Lời qua tiếng lại một lúc thành cãi nhau to. Lẽ ra con mình sai chỉ cần nhận lỗi và xin lỗi, nhưng nhà Phương hình như ai cũng nghĩ “cháu mình là nhất” nên lần nào cũng khiến hàng xóm khó chịu.
Lớn lên trong môi trường đó nên Phương chẳng coi ai ra gì. Tốt nghiệp đại học rồi, nhưng cô nói chuyện với người lớn tuổi quanh mình bằng giọng trống không, ăn uống vô ý, vô tứ. Cứ ngồi xuống bàn ăn là Phương không cần biết đến những người xung quanh, cô cứ phải chọn món mình thích, gắp cho đầy bát. Và Phương vẫn thản nhiên ngồi ăn, dù mâm chưa có một ai ngồi xuống. Trong lúc mọi người cảm thấy “con bé này có vấn đề” thì cả nhà Phương coi đó là chuyện… bình thường.
Hàng xóm trong khu thì ngán ngẩm khi nhắc đến Phương “béo”- đứa con gái hỗn hào, từ lớn đến bé không bao giờ chào hỏi ai. Gặp người lớn, nó chỉ giương mắt nhìn rồi lạnh lùng đi thẳng.
Hơn 20 tuổi đầu nhưng về nhà, Phương vẫn được đối xử không khác gì… “bà hoàng”. Mọi việc trong nhà đều do người lớn lo liệu, Phương dường như vẫn chỉ có mỗi việc ăn ngủ nghỉ và hồn nhiên sống như từ trước đến nay vẫn thế.
Chỉ có điều, gia đình Phương không biết rằng, Phương trở thành nỗi ám ảnh và cũng là câu chuyện để các gia đình nhắc nhau: “Dạy con cẩn thận để không rơi vào cảnh hãi hùng… con một như nhà cái Phương!”.