Hai mẹ con nhập viện do tự ý dùng thuốc
Ths.BS Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Medlatec) cho biết, bác sĩ mới tiếp nhận 2 mẹ con phải nhập viện điều trị vì tự ý sử dụng thuốc khi mắc cúm A. Theo chia sẻ của người bệnh, do có dấu hiệu ho, sổ mũi, bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi, ở Hà Nội) nghĩ mình bị cảm do nằm điều hòa nên đã tự điều trị bằng một số loại thuốc thảo dược thông thường.
Chị Hoa điều trị liên tục trong vòng 7 ngày nhưng không đỡ, nên đã đến viện kiểm tra. Tại đây qua xét nghiệm, chị Hoa có kết quả dương tính với cúm A và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị. Không chỉ chị Hoa, con trai 14 tháng tuổi của chị cũng phải nhập viện sau đó 1 ngày vì có các triệu chứng như sốt, ho, li bì, nôn trớ… Xét nghiệm cho thấy, cháu cũng mắc cúm A.
Bác sĩ Tùng cho biết, việc tự ý dùng thuốc khi không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh như trường hợp bệnh nhân trên là rất nguy hiểm, có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bác sĩ cảnh báo thêm, ngay cả khi xác định được nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cũng phải điều trị theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
"Ví dụ như khi bệnh nhân được xác định mắc cúm A, không phải trường hợp nào cũng dùng thuốc kháng virus, mà cần phải dựa trên dấu hiệu, triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể", bác sĩ Tùng chia sẻ. Sau hai tuần điều trị, tình trạng của hai mẹ con chị Hoa đã có chuyển biến tích cực và vừa được ra viện.
Bác sĩ tư vấn cho một bệnh nhân đến kiểm tra sau khi có những biểu hiện nghi nghờ mắc cúm.
Đối với cúm A, bác sĩ Tùng cho rằng triệu chứng đặc hiệu là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, viêm họng, chảy nước mũi… nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì thế, để có chẩn đoán chính xác nhất thì phải thông qua xét nghiệm. Sau khi có chẩn đoán bác sĩ sẽ tùy vào tình hình thực tế của người bệnh để có chỉ định điều trị.
Giá thuốc điều trị cúm nhảy múa, bác sĩ cảnh báo việc tích trữ và sử dụng thuốc
Thời gian gần đây, các cơ sở y tế liên tiếp ghi nhận số ca mắc cúm ở cả trẻ nhỏ và người lớn phải nhập viện gia tăng. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng cảnh báo là việc người dân lo sợ thái quá, tự ý mua thuốc Tamiflu về để dự trữ và sử dụng.
Khảo sát trên thị trường cho thấy dù là thuốc kê đơn nhưng nhiều người có thể mua được Tamiflu ở bất kỳ quầy thuốc nào mà không cần có chỉ định của bác sĩ. Thậm chí ngay cả trên mạng xã hội, nhiều người cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán loại thuốc này với nhiều loại giá khác nhau, tùy số lượng mua. Theo đó, giá bán Tamiflu theo hộp giao động từ 450.000 đồng lên đến 600.000 đồng.
Trước thực trạng trên, các bác sĩ đều cảnh báo việc tự ý tích trữ Tamiflu là không cần thiết và vô cùng nguy hiểm nếu sử dụng không có chỉ định của bác sĩ. TS.BS Trần Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, không phải trường hợp nào mắc cúm cũng có chỉ định dùng Tamiflu, chỉ trường hợp bệnh nhân có tiến triển nặng khi đó bác sĩ mới xem xét điều trị thuốc kháng virus một cách đặc hiệu để giảm nguy cơ tiến triển.
Việc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm.
“Mắc cúm đa phần là tự khỏi, ngay cả việc điều trị đa phần cũng chỉ là điều trị triệu chứng, giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn cấp tính và theo dõi tiến triển nặng, nếu có biểu hiện nặng cần phải nhập viện để bác sĩ có thăm khám, chỉ định chính xác nhất”, bác sĩ Giang chia sẻ.
Cách phòng và không để cúm lây lan ra cộng đồng:
Để phòng bệnh cúm, bác sĩ Trần Tiến Tùng khuyến cáo mọi người cần:
- Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi;
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối;
Mọi người khi mắc cúm nên theo dõi triệu chứng, nếu xuất hiện biểu hiện nặng thì nên đến viện kiểm tra.
- Người trên 6 tháng tuổi nên tiêm chủng cúm hàng năm (do các chủng virus cúm có thể thay đổi hàng năm), đặc biệt ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn miễn), phụ nữ mang thai, nhân viên viên.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể).
- Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà); Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...); Ăn các loại rau củ quả; Thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn