Chen Laihua là y tá lâu năm chuyên chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Keelung Chang Gung (Đài Loan, Trung Quốc). Gần đây, bà được mời tới chương trình “Health 2.0” với vai trò khách mời. Bà nói: “Không phải vô căn cứ khi ung thư tuyến tụy được gọi là vua của các bệnh ung thư. Hầu hết mọi người đều ít quan tâm tới cơ quan nhỏ bé nhưng rất quan trọng này trong cuộc sống hàng ngày.
Thực tế lâm sàng cho thấy khi phát hiện, bệnh ung thư tuyến tụy thường là giai đoạn muộn, diễn tiến của ung thư tuyến tụy rất nhanh và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Trên thực tế tỷ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9,3%”.
Bà cũng chia sẻ một trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến tụy khiến mình để tâm nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đó là hai người cùng sống trong một nhà cùng lúc phát hiện ung thư tuyến tụy do thói quen ăn uống xấu.
Theo bà kể lại, một người đàn ông hơn 40 tuổi họ Xu (tên họ nhân vật đã được thay đổi) bắt đầu cảm thấy hay đau bụng, khó chịu mỗi khi ăn uống vào cuối tháng 8 năm ngoái. Nhưng công việc của anh rất bận rộn và căng thẳng, làm việc cả cuối tuần, lại ỉ mình cao to, ít khi đau bệnh nên không đi khám.
Anh tự tra cứu trên mạng và cho rằng mình bị trào ngược dạ dày thực quản nên tự tới hiệu thuốc mua thuốc về uống. Nhưng uống thuốc hơn 5 tháng, thậm chí còn tự ý tăng liều vẫn không thấy thuyên giảm. Ngược lại, xuất hiện thêm tình trạng sụt cân và cơn đau bụng ngày càng dữ dội, lan dần ra sau thắt lưng.
Lúc này, vợ anh lo lắng chồng có vấn đề về thận mới bị đau thắt lưng và sụt cân nên nhất quyết đưa anh đi khám. Thật không ngờ, cơn đau của anh không phải do dạ dày hay thận mà là do tuyến tụy. Anh nhận được chẩn đoán ung thư tuyến tụy cuối giai đoạn 3.
“Thời điểm phát hiện bệnh, khối u đã lan đến các mạch máu chính và các hạch bạch huyết, nếu không can thiệp kịp thời sẽ nhanh chóng di căn gan. Bên cạnh đó, bệnh nhân có sỏi tuyến tụy, viêm dạ dày và mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ chủ trị kết luận bệnh nhân có tiên lượng xấu, ung thư tuyến tụy của anh có tỷ lệ sống sót sau 5 năm không tới 5%” - y tá Chen Laihua kể lại.
Bà cũng cho biết, khi nhận chẩn đoán này, hai vợ chồng họ rất sốc. Khi tìm ra nguyên nhân là từ một thói quen ăn uống, người vợ liền lập tức rút điện thoại ra gọi từ mẹ chồng cho tới con trai, em gái ruột cùng tới tầm soát. Kết quả, em vợ của anh Xu cũng bị ung thư tuyến tụy dù không cùng huyết thống - một lần nữa khẳng định bệnh không liên quan tới di truyền. Cô gái này họ Li, chưa đầy 30 tuổi và ung thư tuyến tụy giai đoạn 2, mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản và viêm trực tràng.
Trong quá trình điều tra bệnh sử, được biết gia đình anh Xu sống cùng bố mẹ ruột của anh và gia đình em vợ trong một căn nhà lớn có nhiều tầng. Dù đông người nhưng ai cũng bận rộn nên mẹ anh Xu cùng một người giúp việc theo giờ sẽ lo ăn uống của cả đại gia đình.
Y tá Chen Laihua cho biết: “Hóa ra, cả nhà họ đều hảo ngọt. Người mẹ của anh Xu lại có sở thích làm bánh. Vì vậy, cả nhà thường xuyên ăn bánh ngọt như đồ tráng miệng, dùng thay thế món ăn sáng khi vội, ăn nhẹ bữa chiều hoặc ăn đêm khi ai đó phải thức khuya học bài hay làm việc.
Trong đó, anh Xu và cô em vợ họ Li là mê đồ ngọt nhất. Công việc của họ cũng bận rộn, căng thẳng hơn hẳn những người còn lại, thời gian thức khuya cũng nhiều hơn. Vì vậy, họ ăn rất nhiều bánh ngọt và còn uống các loại nước ngọt có ga thường xuyên. Họ nói với tôi rằng ăn đồ ngọt bị tiểu đường, dạ dày thì có thể hiểu nhưng rất bất ngờ khi nó dẫn tới ung thư tuyến tụy”.
Sau đó, để giải đáp chi tiết hơn các thắc mắc của khán giả về nguyên nhân ăn nhiều đồ ngọt gây bệnh tuyến tụy, y tá Chen Laihua đã kết nối trực tuyến với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa và Gan mật tụy Qian Zhenghong thuốc Bệnh viện Keelung Chang Gung (Đài Loan, Trung Quốc).
Ăn quá nhiều đồ ngọt không chỉ gây béo phì, tiểu đường, bệnh dạ dày mà còn dễ nuôi bệnh tuyến tụy (Ảnh minh họa)
Qian Zhenghong giải thích: “Tuyến tụy là một tuyến nằm sâu trong khoang bụng, nằm giữa dạ dày và lưng, nối với tá tràng, là một cơ quan của đường tiêu hóa. Chức năng chính là tiết ra các enzym tiêu hóa để hỗ trợ tiêu hóa và sản xuất insulin để điều hòa lượng đường trong máu. Insulin do tuyến tụy sản xuất có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng gánh nặng cho tuyến tụy. Lâu ngày gây suy giảm chức năng, tổn thương, sỏi tụy, viêm nhiễm và ung thư”.
Ông cũng nhắc nhở thêm rằng: “Lý do khiến ung thư tuyến tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Tính di căn của ung thư tuyến tụy cũng rất cao.
Hầu hết các bệnh ung thư tuyến tụy khi được chẩn đoán đều đã ở giai đoạn giữa và cuối. Hơn nữa, hiệu quả điều trị đặc biệt kém. Nhiều bệnh nhân ung thư tuyến tụy, ngay cả sau khi phẫu thuật, hóa trị thì khả năng sống sót vẫn có thể kém. Thậm chí từ khi phát hiện tới thời điểm tử vong chỉ vài tháng. Ví dụ như ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối (tức giai đoạn 4) chỉ có thể sống sót khoảng 2 - 6 tháng, mặc dù có thể thay đổi dựa trên một số yếu tố khác và bác sĩ điều trị sẽ là người đưa ra kết luận cuối cùng”.
Bác sĩ Qian Zhenghong và y tá Chen Laihua cũng đưa ra những triệu chứng cần lưu ý của ung thư tuyến tụy như:
- Đau dai dẳng vùng bụng trên không liên quan đến ăn uống, thường đau lan ra sau lưng.
- Chán ăn, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đầy hơi và các rối loạn tiêu hóa khác.
- Xuất hiện vàng da, ngứa da, phân màu đất sét.
- Giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn.
- Một khối cứng, cố định xuất hiện ở vùng bụng trên.
- Cổ trướng.
- Lượng đường trong máu tăng bất thường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn