Hai thập kỷ bền bỉ của tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh

17:26 | 10/06/2020;
Hành trình của nguồn vốn tín dụng chính sách và công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến nay đã gần hai thập kỷ. Xuyên suốt cuộc hành trình, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh luôn nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

Dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước được khai thông chảy đều về khắp vùng miền, vùng núi cao biên giới, vùng biển đảo xa xôi, hỗ trợ kịp thời hộ nghèo và đồng bào DTTS khó khăn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

 Hai thập kỷ bền bỉ của tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Nhiều hộ nghèo tỉnh Hà Tĩnh vay vốn ưu đãi nuôi trồng thủy sản

Nhờ vào nguồn vốn ưu đãi, các hộ gia đình có điều kiện để mua sắm vật tư, con giống phục vụ sản xuất, nông, lâm nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống như mộc, rèn, thủ công mỹ nghệ… Cụ thể, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 36.950 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 37.127 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 7.679 việc làm được tạo ra do được vay vốn từ Qũy Quốc gia về việc làm; 346 người được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; 137.475 công trình NS&VSMTNT được cải tạo; 905 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà vượt lũ được xây mới…

Với quyết tâm huy động các nguồn lực từ Trung ương; khai thác nguồn vốn ngân sách địa phương, 5 năm qua, tổng nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn SXKD đạt 114 tỷ đồng, tăng 69 tỷ đồng so với năm 2015, nâng tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đến thời điểm này đạt gần 4.800 tỷ đồng với 120 nghìn hộ vay.

Cùng với đó, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý đặc thù hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đó là mạng lưới hoạt động từ tỉnh đến huyện với một trung tâm điều hành cấp tỉnh, 13 Phòng giao dịch cấp huyện. Mạng lưới 262 Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp từ tỉnh xuống tận xã, phường và hệ thống 3.588 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, xóm đã tạo điều kiện thuận tiện nhất giúp hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Nhờ đó, NHCSXH tăng thêm thế mạnh hoạt động; các chương trình mục tiêu như: giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh an toàn xã hội tại địa phương được thúc đẩy. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, các gương điển hình tập thể, cá nhân SXKD giỏi xuất hiện. Tiêu biểu ở huyện Can Lộc, huyện Hương Sơn đã gắn việc vay vốn ưu đãi đối với đưa tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chuyển đổi những thửa ruộng cằn cỗi sang thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản, trồng rừng keo, trầm gió xanh tốt quanh năm. Hay các hộ dân ở xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh đã chủ động đầu tư các khâu giống mới, phân bón chọn lọc, hệ thống tưới tiêu tự động để thâm canh sản xuất chè theo tiêu chuẩn Viet Gap, phát triển được 276ha chè nguyên liệu, đạt sản lượng hàng năm gần 1500 tấn, với thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha, chiếm gần 2/3 giá trị kinh tế nông nghiệp toàn xã.

 Hai thập kỷ bền bỉ của tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp hàng triệu hộ dân thoát nghèo

Tín dụng ưu dãi còn hỗ trợ đắc lực nhiều hộ nghèo các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, các huyện ven biển Cẩm Xuyên, Thạch Hà vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Bà Hà Thị Dần ở thôn Xa Trung, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên đã không còn nỗi lo cảnh ngập lụt khi mùa lũ tới, bởi đã được NCHSXH huyện cho vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà cao ráo, vững chắc tránh lũ an toàn. Hay gia đình CCB Trần Ngọc Lâm ở xã Hòa Hải cũng vừa được NHCSXH huyện Hương Khê gia hạn nợ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn, vừa được vay thêm vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư sản xuất khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Thực tế, cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến sự đổi thay không ngừng khắp miền quê vốn có tiếng về thiên tai khắc nghiệt, đất đai khô cằn. Trong đó, đáng kể tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 22,7% đầu năm 2015 xuống còn 6,4% cuối năm 2019. Đến nay, Hà Tĩnh còn có thêm 25 xã đạt chuẩn NTM và 18 xã trên miền núi, ngoài bãi ngang ven biển thoát ra khỏi danh sách vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh Lưu Văn Minh cho biết, hiện nay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi. NHCSXH tỉnh quyết tâm vượt mọi khó khăn, thực hiện những biện pháp hữu hiệu phòng chống rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, tập trung huy động tăng trưởng nguồn vốn, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, bảo toàn vốn của Nhà nước, chung lòng góp sức thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn