Thạc sĩ Đoàn Thị Thuần, người điều hành hệ thống 5 trường mầm non tư thục Bee Garden (Hà Nội) cho rằng, dưới góc độ đầu tư kinh doanh, bất kỳ dịch vụ nào muốn làm ăn lâu dài cũng phải quan tâm đến uy tín, chất lượng và phải đặt yếu tố này lên hàng đầu. Với lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là trong môi trường mầm non tư thục, đòi hỏi còn khắt khe hơn vì đối tượng phục vụ là trẻ em. Trên thực tế, vì yếu tố lợi nhuận đã có những người làm công tác trong ngành giáo dục bỏ qua những quy định cần thiết làm ảnh hưởng tới chất lượng, thậm chí phản giáo dục.
Bà Thuần cũng cho biết, các vụ bạo hành trẻ thường xảy ra ở cơ sở có từ 10- 20 trẻ. Đây là nơi mà trình độ quản lý, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không đảm bảo. Còn tại các trường mầm non có hàng trăm cháu, việc bạo hành hầu như không xảy ra ở với những cơ sở giáo dục lớn, việc nuôi dạy trẻ được vận hành theo quy trình và đều có kiểm tra, giám sát. Ví dụ như tại hệ thống trường mầm non Bee Garden, để vận hành tốt thì đội ngũ quản lý phải có kinh nghiệm, giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản.
Cô Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Vườn Ong HH2 Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, đội ngũ giáo viên hết sức quan trọng. Giáo viên là người chơi với trẻ, dạy trẻ học, cho trẻ ăn và ngủ với trẻ. Vì vậy, mỗi giáo viên luôn cần được đào tạo thêm những kỹ năng mới trong cách chăm trẻ để hiểu thêm về tính cách của trẻ nhỏ, hướng trẻ tự khám phá thế giới xung quanh và bản thân. Có như vậy, trẻ mới phát triển tư duy, nắm bắt thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng, đồng thời, góp phần hạn chế nạn bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non tư thục hiện nay.